Khá lên nhờ rắn ri voi

16/12/2013 10:31 GMT+7

Rắn ri voi dễ nuôi, ít dịch bệnh, ít tốn chi phí, thời gian thu hoạch ngắn nhưng lại đạt hiệu quả kinh tế cao khiến nhiều hộ dân ở Tây Ninh khá lên từ mô hình này.

Khá lên nhờ rắn ri voi
Ông Hồng kiểm tra rắn ri voi trong hồ nuôi - Ảnh: Giang Phương

 Mày mò từ thất bại

Tận dụng nguồn cá tươi phong phú ngay tại làng cá hồ Dầu Tiếng (H.Dương Minh Châu, Tây Ninh) làm nguồn thức ăn chính cho rắn, cộng với kỹ thuật nuôi tốt, hộ ông Nguyễn Văn Hồng (53 tuổi, ngụ ấp B4, xã Phước Minh, H. Dương Minh Châu) và hộ ông Trương Hoài Nam cùng nhiều hộ dân khác đang khá lên từ mô hình nuôi rắn ri voi trong ao hồ. Trước khi bắt đầu nuôi rắn ri voi, ông Hồng đã nhiều năm lăn lộn với nghề nuôi cá tra, cá lóc và ba ba. Thế nhưng các mô hình này phải tốn nhiều chi phí, nhân công mà thu nhập lại thấp dẫn đến lỗ vốn. Khoảng giữa năm 2010, một lần ông Hồng xem trên truyền hình thấy hướng dẫn nuôi rắn ri voi mang lại hiệu quả kinh tế cao nên ông bắt đầu tìm tòi học hỏi. Từ những kiến thức thực tiễn, kiến thức do hội nông dân xã và trạm khuyến nông huyện hướng dẫn, ông Hồng mạnh dạn tăng dần số lượng rắn nuôi.

Ban đầu, để có nguồn rắn giống, ông Hồng cần mẫn thu gom rắn nhỏ lẻ từ những hộ dân đánh bắt ngoài tự nhiên với giá 400.000 – 500.000 đồng/kg, mỗi lần chỉ gom được vài ký. Sau khi tìm hiểu về đặc tính của loài rắn nước này, ông Hồng đầu tư cải tạo 4 chuồng heo cũ và một ao đất cạnh nhà làm ao nuôi rắn. Mỗi ao nuôi khoảng 20 ký rắn giống. Về quy cách hồ nuôi, ông Hồng cho biết: “Đối với hồ xây bằng xi măng, cần xây tường cao khoảng 1,2 – 1,4 m để tránh rắn thoát ra ngoài. Đồng thời, hồ nuôi phải âm xuống đất khoảng 1m. Trong hồ bỏ thêm một lớp đất bùn khoảng 0,1 – 0,2 m, mực nước khoảng 0,6 – 0,8 m. Điều cần thiết là thả lục bình hoặc trồng cỏ trong hồ để che nắng và có chỗ lẩn trốn cho rắn”. Theo ông Hồng, nuôi rắn trong hồ xây người nuôi sẽ dễ dàng điều tiết được lượng nước trong hồ. Còn đối với hồ tự nhiên cũng cần xây tường cao bao xung quanh và thuận lợi cấp thoát nước khi cần thiết.

Chi phí thấp, hiệu quả cao

Hiện rắn ri voi trên thị trường có giá từ 500.000 - 700.000 đồng/kg. Thuận lợi nhất là nguồn thức ăn cho rắn từ các loài cá da trơn hoặc cá có vảy nhỏ được người dân đánh bắt mỗi ngày ngay trong khu vực hồ Dầu Tiếng. “Ở ao nuôi tự nhiên, tôi thường thả cá sống để dù rắn ăn không hết vẫn còn thức ăn dự trữ trong vài ngày”, ông Hồng bật mí. “Ngày trước nuôi cá tra, cá lóc bông, ba ba cũng với số lượng này mà vốn nặng, tốn nhiều công chăm sóc hơn, chi phí trả thêm cho một nhân công gần 200.000 đồng/ngày. Trong khi đó nuôi rắn ri voi, chỉ cần dành vài tiếng mỗi ngày để cho rắn ăn và mua thức ăn cho rắn, thời gian rảnh có thể làm được những việc khác tăng thu nhập gia đình. Mặc khác, nuôi rắn ri voi ngắn hơn đến vài tháng (12-14 tháng) so với nuôi ba ba (16-18 tháng) nên giảm được nhiều chi phí”. Ông Hồng chia sẻ thêm.

Ông Đỗ Hoàng Phúc, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Minh cho biết thêm, mô hình nuôi rắn ri voi là mô hình mới của xã Phước Minh bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân. Nói về hiệu quả kinh tế, ông Phúc phân tích thêm, cứ 100 con rắn từ lúc nuôi đến khi thu hoạch, trừ các chi phí, người nuôi có lãi khoảng 35 triệu đồng. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả này để đông đảo người dân được tiếp cận cải thiện cuộc sống”, ông Phúc nói.

Giang Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.