Cờ NATO tung bay tại trụ sở của liên minh này ở Brussels, Bỉ |
reuters |
Báo The Times ngày 11.4 dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO đã được thảo luận trong nhiều phiên họp của ngoại trưởng các nước thành viên NATO vào tuần trước. Cuộc họp cũng có sự tham dự của các quan chức Phần Lan và Thụy Điển.
“Đây có thể là cái gì khác ngoài một sai lầm chiến lược lớn của Tổng thống Nga Vladimir Putin?”, một quan chức Mỹ cấp cao nhận xét.
Phần Lan dự kiến nộp đơn gia nhập NATO vào tháng 6, sau đó đến Thụy Điển.
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin vào đầu tháng 4 tuyên bố đã đến lúc Phần Lan nghiêm túc xem xét lại lập trường của mình đối với NATO. "Nga không phải là nước láng giềng như chúng tôi tưởng", bà Marin phát biểu, đồng thời thúc giục đưa ra quyết định "kỹ lưỡng nhưng nhanh chóng".
Nga nói gì về khả năng Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO trong vài tháng nữa? |
"Tôi nghĩ chúng tôi sẽ có những cuộc thảo luận rất cẩn thận, nhưng chúng tôi cũng sẽ không mất nhiều thời gian hơn cần thiết vì tình hình rất nghiêm trọng”, thủ tướng Phần Lan nói thêm.
Trong khi đó, Thụy Điển đang đánh giá chính sách an ninh và quá trình này sẽ kết thúc vào cuối tháng tới. “Tôi không loại trừ việc trở thành thành viên NATO dưới bất kỳ hình thức nào”, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson phát biểu cách đây hai tuần.
Phần Lan và Thụy Điển đang hợp tác để tạo dựng sự đồng thuận trong nước. Dù vậy, các quan chức nhấn mạnh quyết định cuối cùng sẽ được hai nước đưa ra một cách độc lập. Cả Phần Lan và Thụy Điển đều được Biển Baltic ngăn cách với Nga. Phần Lan còn có chung đường biên giới trên bộ dài khoảng 1.335 km với Nga.
Theo các nhà ngoại giao châu Âu, cả hai nước Phần Lan và Thụy Điển sẽ giúp tăng cường đáng kể năng lực của NATO, đặc biệt là khả năng thu thập thông tin tình báo và củng cố lực lượng không quân. “Thụy Điển và Phần Lan sẽ có những đóng góp thực sự cho NATO”, The Times dẫn lời một nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu cho biết.
Trước đó, Nga đã cảnh báo về hậu quả của việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. “Mọi thứ được tạo ra để răn đe lẫn nhau. Nếu một bên - và chúng tôi coi NATO là một bên - mạnh hơn bên kia, đặc biệt là về vũ khí hạt nhân, nó sẽ được coi là mối đe dọa đối với toàn bộ cấu trúc an ninh và chúng tôi sẽ phải thực hiện các biện pháp bổ sung”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 8.4 trả lời phỏng vấn của Đài Sky News.
Estonia kêu gọi tăng lực lượng NATO ở các nước Baltic để đối phó Nga |
Ông Peskov không nêu biện pháp bổ sung cụ thể là gì, nhưng nhấn mạnh Nga phải "tái cân bằng tình hình" và Moscow sẽ phải củng cố sườn phía tây biên giới để đảm bảo an ninh. Dù vậy, Nga hiện không coi đó là mối đe dọa hiện hữu để phải dùng tới vũ khí hạt nhân.
Nga cũng đã nói rõ rằng nước này coi "lằn ranh đỏ" là việc NATO mở rộng hơn nữa về phía đông. Các nhà phân tích và chuyên gia Nga cũng cảnh báo động thái gia nhập NATO của Phần Lan có nguy cơ làm quan hệ của Helsinki với Moscow xấu đi.
Bình luận (0)