Khác biệt

28/02/2013 03:45 GMT+7

Trên thực tế mục tiêu chính của phần đông các trường ĐH ở Việt Nam hiện nay là làm sao lấy đủ chỉ tiêu, mở nhiều ngành, nhiều loại hình đào tạo để có càng nhiều sinh viên càng tốt. Không bao nhiêu trường quan tâm đến các vấn đề liên quan đến nghiên cứu khoa học - một trong những tiêu chí xác định là trường ĐH nghiên cứu (thuộc loại ĐH hàng đầu).

Ấy vậy nhưng nhiều trường vẫn thích được xem là ĐH nghiên cứu dù thực lực còn rất xa.

Một nghịch lý khác, với những trường trên lý thuyết là đủ năng lực để phát triển thành trường ĐH nghiên cứu và cũng biết mình thuộc loại hàng đầu nhưng cách tồn tại và phát triển lại chẳng khác gì một trường ứng dụng, thực hành. Nghĩa là vẫn “chen lấn”, “đổ xô” vào các loại hình đào tạo nhằm hướng đến số đông như liên thông, văn bằng 2, vừa làm vừa học... để có nhiều người học và thu được nhiều tiền. 

Nhiều trường vẫn tuyên bố sứ mệnh của mình là ĐH nghiên cứu, thậm chí vươn đến tầm cỡ khu vực nhưng nhiều dẫn chứng cho thấy kinh phí đầu tư cho thư viện hay nghiên cứu khoa học của trường đôi khi chỉ ngang tiền tiếp khách? Định hướng là trường nghiên cứu nhưng vẫn chỉ loanh quanh với những bậc học mang tính nghề nghiệp (trung cấp, cao đẳng)...?

Trong bất kỳ sự phát triển nào cũng  cần có sự đa dạng. Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh - Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập có lý khi cho rằng sứ mạng của các trường rất đa dạng, có trường thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, trường giảng dạy, trường phục vụ cộng đồng. Không trường nào hơn trường nào về ý nghĩa đóng góp cho xã hội. Điều đó có nghĩa không phải cứ là trường nghiên cứu mới là đẳng cấp, là hàng đầu, mới chất lượng. Vì thế, thay vì đổ xô để chứng minh là trường thuộc nhóm nghiên cứu, các trường có thể tìm những điểm là thế mạnh của mình để phát triển  và khẳng định chất lượng. Phải có một hướng đi khác biệt với số đông. 

Thực tế hoạt động của các trường hiện nay cho thấy không nhiều trường dám bứt phá tìm kiếm sự khác biệt để phát triển. Chẳng hạn khi thấy trường này mở các khối ngành đào tạo kinh tế thu hút nhiều thí sinh, các trường khác cũng ào ạt mở theo. Đến khi bão hòa thì ai cũng kêu khổ. Cũng tương tự như thế đối với ngành công nghệ thông tin. Rồi trường nào cũng mở các chương trình đào tạo liên thông. Khi nhiều người có nhu cầu lấy bằng thạc sĩ, các trường lại ùn ùn xin mở chương trình thạc sĩ các ngành thời thượng...

Với các trường ĐH thuộc hệ thống ngoài công lập cũng vậy. Cứ đến kỳ tuyển sinh, các trường họp lại kêu khó, đề xuất Bộ GD-ĐT thêm chế độ này, chính sách nọ... Điều này là cần thiết nhưng sẽ thiết thực và ý nghĩa hơn nếu các trường quyết tâm tìm ra một lối đi khác biệt nào đó trong bối cảnh khó khăn này để cạnh tranh được với các trường công lập.

Chất lượng quyết định không phải ở trường lớn hay nhỏ, nghiên cứu hay thực hành mà chính là từ thực tiễn, niềm tin của người học, người sử dụng lao động...

Trong muôn trùng những thứ na ná nhau, sự khác biệt thường nổi bật.

Thùy Ngân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.