Nhưng đây chỉ là sự khác nhau về chính tả, nghĩa là về chữ viết, chứ về mặt ngữ âm thì phụ âm cuối của “tôn” là “nờ” [n] phụ âm đầu lưỡi - răng, còn của “tông” lại là “ngờ” [ŋ], phụ âm cuối lưỡi. Sự rắc rối ở đây là do việc kiêng húy của vua Thiệu Trị mà ra. Vì húy của ông ta là “tông” (Nguyễn Phúc Miên Tông) nên nhiều từ/hình vị có âm “tông” đều phải “đổi tông” mà đọc thành “tôn”, như “tông chỉ” thành “tôn chỉ” (của một tờ báo, chẳng hạn), “tông giáo” [宗教] thành “tôn giáo”, “tông thất” [宗室] thành “tôn thất”, “tông nhân phủ” [宗人府] thành “tôn nhân phủ” [尊人府].
Về hiện tượng “tông thất” kiêng thành “tôn thất”, Tôn Nữ Tường Vy có nói rõ trên blog Ton Nu Tuong Vy như sau: “Con cháu của các chúa Nguyễn (Tiền hệ), của anh em vua Minh Mạng (Phiên hệ) đặt Tông Thất cho con trai, Tông Nữ cho con gái đằng trước tên. “Tông” trong “tông chi họ hàng” ấy. Nhưng sau vì kị húy vua Thiệu Trị là Nguyễn Phúc Miên Tông nên họ chuyển thành Tôn Thất và Tôn Nữ. Tuy nhiên, “Tôn” (尊) có nghĩa là “đáng kính”, còn “Tôn” (孫) trong Đế hệ bên tôi nghĩa là cháu” (bài Câu chuyện đằng sau những cái tên).
tin liên quan
Chuyện đông chuyện tây trở lại sau hơn 10 nămCái thí dụ này của ông Lê Trung Hoa có một điểm sai nghiêm trọng. Họ của cụ Tôn Đức Thắng chính xác là Tôn chứ đâu có phải “Tông” mà ông đặt vấn đề không thể đổi trở lại thành “Tông”. Họ “Tôn” là một yếu tố Hán Việt, chữ Hán phồn thể là [孫], giản thể là [孙]. Nước ta còn có một nhà cách mạng họ Tôn từng là Phó trưởng ban Thường trực Quốc hội khóa I, Tổng thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa III, IV… là ông Tôn Quang Phiệt, mà tên ghi bằng chữ Hán là [孫光閥]. Đây cũng là họ của nhà cách mạng nổi tiếng người Trung Hoa là Tôn Trung Sơn [孫中山], tức Tôn Dật Tiên [孫逸仙], là họ của Tôn Vũ, nhà quân sự thời Xuân Thu...
Bình luận (0)