Khắc phục bệnh hình thức, chạy danh hiệu thi đua khen thưởng

18/08/2021 06:36 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý luật Thi đua khen thưởng sửa đổi cần khắc phục cho được tình trạng hình thức, chạy bằng khen, giấy khen, thậm chí chạy anh hùng lâu nay.

“Khen thưởng bậc cao toàn cán bộ quản lý”

Ngày 17.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp phiên thứ 2, cho ý kiến về dự án luật Thi đua khen thưởng sửa đổi. Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch QH nhấn mạnh đây là sản phẩm đầu tiên của công tác lập pháp trong nhiệm kỳ QH khóa XV, do đó đề nghị các cơ quan trình, thẩm tra đầu tư để sau khi luật được sửa đổi thì tạo nên sự thay đổi căn bản trong công tác thi đua, khen thưởng.
Làm sao đảm bảo công khai, minh bạch, khắc phục được chuyện cả trong lĩnh vực thi đua khen thưởng cũng chạy danh hiệu, chạy bằng khen, chạy giấy khen, chạy anh hùng
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Theo Chủ tịch QH, vấn đề đầu tiên cần phải khắc phục là tình trạng hình thức, chạy danh hiệu trong công tác này. “Chúng ta làm sao đó cũng phải khắc phục cho bằng được bệnh hình thức trong công tác thi đua khen thưởng. Làm sao đảm bảo công khai, minh bạch, khắc phục được chuyện cả trong lĩnh vực thi đua khen thưởng cũng chạy danh hiệu, chạy bằng khen, chạy giấy khen, chạy anh hùng... Thậm chí có những trường hợp vừa mới phong xong thì đã phải xử lý”, Chủ tịch QH nêu.
Bên cạnh đó, Chủ tịch QH cho rằng cũng cần khắc phục tình trạng khen thưởng theo lối tích lũy, gối đầu, muốn đạt danh hiệu thi đua khen thưởng cao thì trước đó phải đạt danh hiệu thi đua thấp hơn. Việc này ngược với mục tiêu hướng về cơ sở của công tác thi đua, khen thưởng, dẫn đến những danh hiệu khen thưởng bậc cao toàn cán bộ lãnh đạo quản lý nhiều hơn là người lao động. “Chúng ta phải khắc phục cho được việc này. Tôi thấy tất cả các điều kiện về huân, huy chương này chưa có động chạm gì, có phải là một hạn chế bất cập không. Cần khắc phục việc này thế nào để có cách nhìn đột phá”, Chủ tịch QH gợi mở.
Chủ tịch QH cũng yêu cầu việc sửa đổi luật cần phải khắc phục được tình trạng nhiều doanh nghiệp, hiệp hội đặt ra các danh hiệu này, danh hiệu kia một cách tràn lan, dẫn đến tình trạng “muốn có danh hiệu gì đó thì đóng tiền là có”.

Cờ thi đua của Chính phủ tặng cho cả khối Đảng, Quốc hội

Một vấn đề cũng được nhiều thành viên UBTVQH đề nghị bổ sung thêm các điều khoản về hình thức khen thưởng cho các đại biểu dân cử (đại biểu QH, HĐND) và bổ sung thành viên của UBTVQH vào Hội đồng Thi đua khen thưởng T.Ư. Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, năm 2020, Ban Công tác đại biểu đã phải tìm cách “vận dụng” để khen thưởng Huân chương Đại đoàn kết cho các lãnh đạo QH vì không phải đối tượng quy định trong luật. Từ đó, bà Thanh đề nghị cần phải bổ sung đối tượng công tác tại các cơ quan QH vào đối tượng thi đua, khen thưởng.
Tổng thư ký QH Bùi Văn Cường thì cho rằng cần xem xét lại sự tương quan trong hệ thống chính trị về công tác thi đua khen thưởng. “Hiện nay Cờ thi đua của Chính phủ nhưng lại tặng khen cho cả khối Đảng, Mặt trận, QH và HĐND thì liệu có phù hợp không, cần xem xét kỹ lưỡng”, ông Cường nói và phân tích, trước đây việc này giao cho Chính phủ điều hành, vì là thời chiến tranh, khó khăn, nhưng bây giờ cần phải xem xét cho tường minh.

Nhiều địa phương xin dùng tiền cải cách tiền lương để chống dịch

Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bố dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022. Nêu ý kiến tại phiên họp, bà Mai Thị Thu Vân, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết hiện có 10 tỉnh kiến nghị sử dụng tiền còn dư sau khi đảm bảo nguồn thực hiện cải cách tiền lương để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết ở địa phương hiện còn 252.000 tỉ đồng nguồn cải cách tiền lương còn dư. "Vừa rồi, 7 tỉnh đề nghị dùng tiền này chống dịch. Bộ Tài chính đã trả lời là dùng các nguồn khác như dự trữ tài chính, tiết kiệm chi thường xuyên; nếu chưa đủ thì phải thực hiện điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, cắt giảm các khoản không cần thiết, còn nguồn cải cách tiền lương phải luôn sẵn sàng để thực hiện", ông Phớc nói.
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ lưu ý nghị quyết của T.Ư đã xác định cải cách tiền lương từ 1.7.2022 và khuyến cáo Bộ Tài chính không duyệt cho chi từ nguồn này. “Các địa phương lúc nào cũng khẳng định có đủ nguồn cho cải cách tiền lương, nhưng nếu sau này không đảm bảo được thì ai là người chịu trách nhiệm?”, ông Huệ nói.
Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng luật sửa đổi lần này cũng cần phải bao quát, không để khoảng trống trong hệ thống chính trị về công tác thi đua khen thưởng. “Có thể danh hiệu khen thưởng nhà nước thì nâng lên để cấp nào khen phù hợp hơn. MTTQ phản biện hoạt động của Chính phủ lại nhận Cờ thi đua của Thủ tướng và Chính phủ thì có phù hợp không?”, Chủ tịch QH nêu vấn đề.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.