Khắc phục tình trạng chồng chéo trong hệ thống báo chí

04/04/2019 00:00 GMT+7

Quyết định của Thủ tướng về phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 vừa được chính thức ban hành vào hôm qua (3.4).

Mục tiêu của bản quy hoạch là để xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội, thông tin đối ngoại. Cùng với đó là nhằm sắp xếp hệ thống báo chí, khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích.

Không có báo chí thuộc sở

Trong đó, quy hoạch phân loại rất rõ các loại hình và có lộ trình thực hiện khá chi tiết. Cụ thể, đối với báo và tạp chí in thì việc sắp xếp gắn với đổi mới mô hình tổ chức, quản lý theo hướng giảm số lượng cơ quan báo in, mỗi cơ quan có thể có nhiều ấn phẩm (trong đó có 1 ấn phẩm chính và có thể có một số ấn phẩm khác). Các cơ quan báo sau khi sắp xếp đều có cơ quan chủ quản trực tiếp là cấp tỉnh, TP trực thuộc T.Ư hoặc cấp bộ, ngành T.Ư (trừ các quân khu, quân chủng) tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác chỉ đạo, quản lý.
Phương án sắp xếp và lộ trình thực hiện như sau: Ban Chấp hành T.Ư có Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản. Báo Nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện. Đến năm 2020, mỗi ban Đảng T.Ư có không quá 1 tạp chí in. Sau năm 2020, trên cơ sở lấy Báo điện tử Đảng Cộng sản VN (thuộc Ban Tuyên giáo T.Ư) làm nòng cốt, hợp nhất tạp chí các ban Đảng để xây dựng một cơ quan báo chí tập trung, đa phương tiện. Trong khi Văn phòng Quốc hội, Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Kiểm toán Nhà nước - mỗi cơ quan có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in.
Còn bộ, cơ quan ngang bộ có 1 cơ quan báo và 1 cơ quan tạp chí. Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ nếu tiếp nhận thêm cơ quan báo thuộc các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội T.Ư, các doanh nghiệp thì được có tối đa 2 cơ quan báo nhưng chậm nhất đến năm 2025 phải hoàn thành việc sắp xếp (còn 1 cơ quan báo). Đài truyền hình VN, Đài tiếng nói VN, Thông tấn xã VN, Báo Quân đội nhân dân và Báo Công an nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện.
Cơ quan thuộc Chính phủ (trừ Đài truyền hình VN, Đài tiếng nói VN, Thông tấn xã VN) có một cơ quan tạp chí. Quy hoạch yêu cầu đến hết năm 2020, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch. Bộ Công an hoàn thành sắp xếp báo của công an 5 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư thành ấn phẩm của Báo Công an nhân dân trong năm 2020.
Ở địa phương, mỗi tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có 1 cơ quan báo thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 1 cơ quan tạp chí thuộc hội văn học - nghệ thuật tỉnh. Một số tỉnh, TP là địa bàn trọng điểm về kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch được có cơ quan tạp chí chuyên ngành. Các cơ quan cấp sở, ngành thuộc các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư không có cơ quan báo chí. Lộ trình thực hiện là đến hết năm 2020, các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch. Riêng Hà Nội và TP.HCM thì đến hết năm 2020 sắp xếp còn tối đa 5 cơ quan báo (không tính các cơ quan báo thuộc tổ chức tôn giáo) và đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp còn 1 cơ quan báo.
Tương tự, mỗi tổ chức chính trị - xã hội T.Ư có 1 cơ quan báo và 1 cơ quan tạp chí. Mỗi tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội T.Ư có 1 cơ quan tạp chí. Lộ trình thực hiện là đến hết năm 2019. Riêng T.Ư Đoàn, đến hết năm 2020 sắp xếp còn tối đa 3 cơ quan báo; đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp còn 1 cơ quan báo.

“Không dùng giấy phép tạp chí điện tử để xuất bản báo điện tử”

Đối với báo điện tử và tạp chí điện tử, phương án sắp xếp tương tự như đối với báo, tạp chí in. Trong đó, quy hoạch nhấn mạnh tạp chí điện tử phải thể hiện đúng tính chất tạp chí, không được sử dụng giấy phép xuất bản tạp chí điện tử để xuất bản báo điện tử. Các mốc thời gian và lộ trình thực hiện với khối này cũng y như đối với báo in, tạp chí in. Các báo điện tử hiện có cơ quan chủ quản là các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thì thực hiện chuyển đổi cơ quan chủ quản hoặc chuyển thành tạp chí.
Trong khi đó, đối với phát thanh, truyền hình phương án sắp xếp như sau: Đài truyền hình VN là đài truyền hình quốc gia. Đài tiếng nói VN là đài phát thanh quốc gia. Thông tấn xã VN là cơ quan thông tấn quốc gia. Thông tấn xã VN, Đài tiếng nói VN, Báo Nhân dân, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Văn phòng Quốc hội được phép có kênh truyền hình.
Còn ở địa phương, mỗi tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có 1 đài phát thanh và truyền hình. Mỗi đài chỉ có 1 kênh phát thanh, 1 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu. Riêng TP.HCM có 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình. Hà Nội, TP.HCM, mỗi đài có tối đa 2 kênh phát thanh, 2 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu. Lộ trình để khối này hoàn thành việc sắp xếp là đến hết năm 2020.

Đến 2020, các đài phát thanh - truyền hình tự túc kinh phí

Về cơ chế tài chính, quan điểm quy hoạch của Chính phủ là nhà nước có cơ chế, chính sách tài chính, đào tạo, tạo điều kiện cần thiết cho báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tăng cường huy động nguồn lực phát triển nhưng phải bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí.
Còn các cơ quan báo chí in và tạp chí in được giao quyền tự chủ tài chính. Nhà nước tập trung đầu tư ngân sách cho một số cơ quan báo chủ lực, thực hiện cơ chế đặt hàng đối với một số báo và tạp chí phục vụ các nhiệm vụ chính trị được xác định.
Trong khi đó, đến năm 2020, các đài phát thanh, truyền hình tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên. Nhà nước có cơ chế hỗ trợ, đặt hàng đối với các kênh, chuyên mục, chương trình phục vụ các nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu và có cơ chế phù hợp để từng bước hình thành và phát triển ngành công nghiệp sản xuất nội dung trong nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.