Sau Covid-19, Việt Nam là một trong những nước mở cửa biên giới trở lại sớm nhất khu vực nhưng lượng du khách quốc tế đến Việt Nam lại có kết quả khá thất vọng. Tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 chỉ đạt hơn 3,66 triệu, thấp hơn mục tiêu đề ra là 5 triệu lượt khách.
Cùng với đó, các hãng hàng không Việt Nam đã khôi phục hoàn toàn mạng lưới bay, mở mới nhiều đường bay quốc tế để thúc đẩy du lịch. Tuy nhiên, nhiều chuyến bay quốc tế còn vắng khách, dẫn tới hoạt động khai thác chưa đạt được kỳ vọng.
Một trong những nguyên nhân khiến mục tiêu đón khách du lịch quốc tế không đạt là do chính sách thị thực còn nhiều điểm chưa phù hợp.
Nhìn sang các nước bên cạnh, sẽ thấy Thái Lan, Singapore, Malaysia… đều đạt hoặc vượt mục tiêu khách quốc tế trong năm 2022. Đặc điểm chung của các quốc gia này là chính sách thị thực, nhập cảnh dễ dàng.
Tổng lượng khách quốc tế đến Thái Lan năm 2022 đạt 11,15 triệu, tăng vọt so với con số 428.000 lượt khách năm trước đó. Theo Tổng cục Du lịch Thái Lan, kết quả đáng kinh ngạc này đến từ chính sách gia hạn thời gian miễn thị thực cho du khách 64 quốc gia từ 30 lên 45 ngày và nâng thời gian lưu trú cho khách có visa từ 15 lên 30 ngày.
Singapore cũng là một trong những quốc gia có chính sách visa khá "thoáng", với chỉ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ phải xin thị thực, còn lại được miễn thị thực hoàn toàn với thời gian lưu trú từ 30 - 90 ngày. Sau đại dịch Covid-19, lượng khách quốc tế đổ đến quốc đảo này đã vượt kỳ vọng với 6,3 triệu lượt khách.
Trong khi đó, số nước được cấp E-visa của Việt Nam thấp, thời hạn E-visa không quá 30 ngày, là khoảng thời gian ngắn, chưa thu hút được nhiều hơn người nước ngoài, nhất là nhóm khách có nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày tại Việt Nam; chưa hút được nhiều hơn số người có nhu cầu khảo sát, tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam dài ngày.
Trước những bất cập này, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Công an đã đề xuất nâng thời hạn của E-visa từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể.
Dự thảo cũng quy định nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của luật.
Đây là những thông tin đang được khách du lịch và nhà đầu tư quốc tế rất trông đợi, mong muốn sớm được thông qua, đưa vào triển khai chính thức để thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút đầu tư, góp phần phát triển nền kinh tế đất nước.
Bình luận (0)