Khách hàng bí ẩn tại Đông Nam Á mua thiết bị bay phản lực

15/09/2021 15:00 GMT+7

Bộ thiết bị bay phản lực có tiềm năng được sử dụng trong một số nhiệm vụ quân sự lẫn cứu hộ.

Trang The Drive mới đây đưa tin công ty chuyên sản xuất thiết bị bay cá nhân phản lực (jetpack) JetPack Aviation (trụ sở tại California, Mỹ) đã nhận đơn đặt mua 2 bộ JB12 của quân đội một nước Đông Nam Á. Hợp đồng trị giá khoảng 800.000 USD và dự kiến sẽ giao hàng trong 6 tháng tới.
JetPack Aviation chưa công bố hình ảnh nào về mẫu jetpack mới này mà chỉ mô tả là “thiết kế mật”, dựa trên bộ JB11 được sản xuất cho mục đích quân sự trước đó. JB12 nặng khoảng 47kg nhưng chưa rõ có tính luôn trọng lượng nhiên liệu chưa. Thiết bị bay có 6 động cơ phản lực, dùng nhiên liệu dầu hỏa hoặc dầu diesel, có khả năng đạt vận tốc đến 193 km/giờ.

Xem "người bay" thủy quân lục chiến Anh vun vút đổ bộ lên tàu chiến

Bộ JB11 cũng có tốc độ tối đa tương đương nhưng nặng 52kg, chưa tính nhiên liệu. Người đeo JB12 vận hành bộ thiết bị thông qua hệ thống bay điều khiển bằng máy tính. Hệ thống này có thể phát hiện sự cố giảm lực đẩy bất thường ở động cơ và tự động điều chỉnh lực đẩy ở động cơ đối diện để cân bằng. Trần bay của bộ jetpack JB11 là 4.572 m, lực đẩy tối đa 240 kg.

Chưa rõ bộ JB12 có thể bay trong bao lâu nhưng bộ JB11 chỉ bay được 10 phút và còn tùy vào trọng lượng của phi công và mật độ không khí. Điểm hạn chế này cộng với giá thành cao là những yếu tố khiến những bộ jetpack khó tìm được khách hàng và tham gia vào những nhiệm vụ quân sự. Người sử dụng bộ jetpack cũng phải trải qua khóa huấn luyện, cơ bản là khoảng 10 ngày. Tuy nhiên, để có thể thực hiện các nhiệm vụ quân sự, việc huấn luyện có thể sẽ cần thêm nhiều thời gian.

Bộ JB11

JetPack Aviation

Hiện chưa rõ khách hàng bí ẩn là nước nào và họ định sử dụng bộ thiết bị bay này vào mục đích gì. Thông thường, các bộ jetpack hoặc những dạng thiết bị bay cá nhân khác giúp người đeo di chuyển nhanh từ vị trí này đến vị trí khác. Những bộ thiết bị bay này có thể hữu dụng trong một số tình huống như giúp binh lính nhanh chóng đổi địa điểm theo những thay đổi trên chiến trường, nhanh chóng hỗ trợ đồng đội, triển khai nhanh lên tàu hoặc những nơi khó tiếp cận. Ngoài tiềm năng sử dụng cho các nhiệm vụ đột kích, bộ thiết bị này cũng có thể được sử dụng cho hoạt động cứu trợ thảm họa.
Ông David Mayman, người sáng lập và là Tổng giám đốc của JetPack Aviation nói việc đạt được hợp đồng này chứng tỏ JB12 mang lại những năng lực trên không đặc biệt cho các lực lượng quốc phòng để thực hiện nhiều yêu cầu của nhiệm vụ. “Đơn hàng này là bước tiến lớn cho chúng tôi vì nó xác nhận rằng chương trình phát triển của chúng tôi đáp ứng nhu cầu quân sự”, ông Mayman nói.
JetPack Aviation được thành lập tại San Fernando, bang California vào năm 2016 nhưng đội kỹ sư đã nghiên cứu ý tưởng thiết bị bay phản lực này từ nhiều năm trước đó. Năm 2015, họ biểu diễn màn bay quanh tượng Nữ thần Tự do ở New York bằng bộ JB9.

Người bay phản lực đạt độ cao 1.800 mét ấn tượng

Ngoài jetpack, công ty còn sản xuất một phương tiện cất và hạ cánh thẳng đứng (VTOL) gọi là Speeder. Chiếc “mô tô bay” này có thể hoạt động đến 30 phút, chở nặng đến 272kg, có thể tự hoạt động hoặc có người điều khiển. Theo The Drive, khách hàng mua 2 bộ JB12 cũng tỏ ra quan tâm đến Speeder để sử dụng cho các nhiệm vụ như xâm nhập hoặc rút lui, cứu hỏa, cấp cứu, triển khai thiết bị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.