Sau yêu cầu “ngành ngân hàng có giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt quan tâm đến khách hàng có khoản vay nhỏ đang rất khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch” của Chính phủ tại Nghị quyết 88, nhiều khách hàng cá nhân kỳ vọng, giảm gánh nặng lãi vay.
Gánh nặng lãi vay
Anh V.V.Đ (ngụ Q.12, TP.HCM) cho biết tháng 3 vừa rồi, gia đình anh đã vay Techcombank số tiền gần 1,1 tỉ đồng để mua một căn hộ, lãi suất vay cố định trong 3 năm là 8%/năm, mỗi tháng trả góp cho ngân hàng (NH) 11 triệu đồng.
“Mức trả góp hằng tháng này được tính khi cả hai vợ chồng cùng làm ra thu nhập. Đùng một cái dịch bùng phát và kéo dài khiến cuộc sống, thu nhập của gia đình tôi đảo lộn. Vợ tôi thất nghiệp, 3 con nhỏ ở nhà nên chi phí sinh hoạt tăng cao. Mới đây, trường của các con thông báo học trực tuyến, gia đình lại phát sinh mua thêm máy tính để con học online, thế nên thu nhập của mình tôi kham không nổi. Món tiền trả góp hằng tháng trở thành gánh nặng chưa biết tính thế nào”, anh Đ. than.
Liên hệ thì nhân viên NH này cho biết nhà băng chỉ hỗ trợ khách hàng vay liên quan ngành nghề thiết yếu chứ vay mua bất động sản thì chưa có chính sách gì. “Mong NH giảm chút hoặc khoanh nợ cho khách hàng qua dịch trả nợ mà không bị phạt chứ tôi muốn trả nhưng lực bất tòng tâm”, anh V.V.Đ cho hay.
Tương tự, anh N.T.Sang (Q.5, TP.HCM) mới đây có đơn gửi Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset (VN) đề nghị được cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ. Tháng 8.2020, anh N.T.Sang vay Công ty tài chính Mirae Asset 60 triệu đồng, mỗi tháng trả góp hơn 3 triệu đồng. Nhưng dịch bệnh Covid-19 kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu nhập của anh, gây khó khăn cho việc trả nợ đúng hạn theo hợp đồng. Số tiền gốc và lãi phải trả cho công ty tài chính hằng tháng giờ trở thành gánh nặng rất lớn cho bản thân và gia đình anh Sang.
“Mong công ty tài chính cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ trong thời gian từ nay đến sau 3 tháng kể từ ngày công bố hết dịch để bản thân có thể nhanh chóng sắp xếp trả đủ số nợ cho phía công ty”, anh Sang chia sẻ. Một bạn đọc tên Hồ Quốc Hân kiến nghị “NH nên cho khách hàng ngưng đóng lãi trong thời gian dịch bệnh. Ví dụ ngưng đóng lãi 3 tháng dịch bệnh, thì sẽ cộng thêm 3 tháng khi hết hạn”.
Cần sớm giảm lãi, cơ cấu nợ vay khách hàng cá nhân
Ông Nguyễn Trí Hiếu, Cố vấn cấp cao Công ty VFL, đồng tình với chỉ đạo của Chính phủ về việc yêu cầu ngành NH hỗ trợ các khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Theo đề xuất của ông Nguyễn Trí Hiếu, nhóm đối tượng ưu tiên hỗ trợ đầu tiên là khách hàng vay tiêu dùng, vì đây là đối tượng yếu thế, hành nghề tự do, mục đích vay nợ có thể trả tiền học phí, viện phí, mua đồ dùng thiết yếu… NH, công ty tài chính có thể hoãn cho họ trả nợ tiền gốc 1 năm, phần tiền lãi có thể giảm một chút nhưng vẫn phải đóng vì NH còn phải trả lãi vốn huy động.
“Để nền kinh tế phục hồi, người lao động có công ăn việc làm thì thời gian 1 năm mới lạc quan. Ngoài thời gian ân hạn nợ 1 năm, các tổ chức tín dụng hỗ trợ khách hàng cá nhân bằng các hình thức khác như cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay khoảng 3%/năm, giảm phí…”, ông Hiếu giải thích.
Việc Chính phủ đưa vào nghị quyết việc hỗ trợ khách hàng cá nhân, đặc biệt những khoản vay nhỏ, theo TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn thị trường tài chính Trường đại học Kinh tế TP.HCM, là tin vui đối với những người đang vay vốn tại NH. Điều đó thể hiện Chính phủ đã thấy được những khó khăn của khách hàng vay cá nhân. Những khoản vay vài triệu đến vài chục triệu đồng là khá lớn đối với họ, nay gặp phải dịch Covid-19 làm cho thu nhập giảm hoặc mất thu nhập lại dễ bị tổn thương hơn. Tuy nhiên, để các NH thương mại mạnh dạn hơn trong việc hỗ trợ cá nhân vay trong giai đoạn này, Ngân hàng Nhà nước cần sớm sửa một số điều khoản tại Thông tư 03, đồng thời đưa ra các tiêu chí điều kiện cá nhân nào được cơ cấu, giảm lãi vay, thủ tục đơn giản.
“Đây là điều kiện cần thiết để chỉ đạo của Chính phủ đi vào cuộc sống, tránh những chính sách đã triển khai trước đây không thực hiện được, tránh tình trạng chính sách một đằng, nhưng khi thực thi lại không hiệu quả do sự kém đồng bộ”, vị này nói và chỉ ra: “Chẳng hạn, gói hỗ trợ lãi suất ở đợt dịch lần thứ nhất vào năm ngoái, dẫn đến thực trạng giải ngân gói hỗ trợ lãi suất rất thấp và rất ít doanh nghiệp có thể tiếp cận được gói này”. Ông dẫn chứng trường hợp khi doanh nghiệp đề xuất giảm lãi suất thì NH yêu cầu phải có giấy xác nhận của địa phương về thiệt hại và ảnh hưởng, trong khi chính quyền địa phương lại không có chức năng kiểm tra xem doanh nghiệp có bị ảnh hưởng hay không, cũng như không nhận được văn bản chỉ đạo nào về việc này.
Điều đó khiến chính sách và nguồn ngân sách thì có, nhưng tỷ lệ giải ngân lại rất thấp. Lần này, khi Ngân hàng Nhà nước hoặc Bộ Tài chính lên danh sách các ngành nghề chịu ảnh hưởng bởi đại dịch ở từng cấp độ khác nhau và có văn bản chỉ đạo chi tiết với từng ngành nghề tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng sẽ được hưởng mức chính sách tương ứng và giãn nợ, giảm lãi suất. Theo đó, cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh cá thể ở trong ngành nghề tương ứng đó chỉ cần liên hệ NH để nhận được gói hỗ trợ trên chứ không cần phải có xác nhận ở địa phương, hay bất kỳ thủ tục nào khác.
Bình luận (0)