Khách hàng của dự án Saigon One Tower phấp phỏng chờ đợi

04/12/2021 06:23 GMT+7

Sau hàng chục năm đắp mền nằm chết lâm sàng, đến nay dự án Saigon One Tower về tay chủ mới và thi công trở lại, với một cái tên mới là IFC One, Saigon .

Hàng trăm khách hàng đã mua nhà tại dự án này hơn chục năm qua đang phấp phỏng chờ đợi quyền lợi của mình sẽ được giải quyết ra sao khi dự án có chủ mới.

Dự án được phát triển bởi Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Viva Land có văn phòng tại Singapore, TP.HCM và Hà Nội.

Công nhân đang tiến hành sửa chữa, làm mới lại công trường cao ốc Saigon OneTower

ĐÌNH SƠN

Thay “áo mới”

Saigon One Tower được xem là một trong những dự án có vị trí đắc địa bậc nhất TP.HCM khi nằm trên khu đất vàng tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi (Q.1, TP.HCM), nhưng có số phận khá hẩm hiu. Cao ốc này do liên doanh Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower làm chủ đầu tư gồm các cổ đông như: Công ty cổ phần M&C, Tổng công ty du lịch Sài Gòn - Saigontourist, Ngân hàng TMCP Đông Á, Công ty TNHH chứng khoán Ngân hàng Đông Á và Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ. Dự án được xây dựng trên khu đất hơn 6.672 m2, mật độ xây dựng 46% với quy mô 41 tầng (không tính 5 tầng hầm và 3 tầng kỹ thuật), tổng vốn đầu tư 256 triệu USD (tương đương 5.000 tỉ đồng thời điểm đó).

Theo thiết kế, công trình cao 185 m, gồm 180 căn và khu văn phòng. Đây được xem là dự án đình đám, sang trọng bậc nhất TP.HCM tại thời điểm công bố. Thế nhưng, dự án khởi công xây dựng từ năm 2007, đến năm 2011 đang ở giai đoạn hoàn thiện thì bỗng nhiên dừng thi công cho đến nay. Nguyên nhân được cho là do thiếu vốn.

Chúng tôi cũng đã nhiều lần liên hệ với Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Viva Land để hỏi việc sẽ giải quyết quyền lợi của khách hàng đã mua nhà tại dự án như thế nào. Tuy nhiên, dù liên hệ qua số điện thoại của công ty hay đến trực tiếp văn phòng tại TP.HCM đều không được với lý do “lãnh đạo bận chưa thể tiếp được”.

Trước đó, dự án này được Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thu giữ để xử lý và thu hồi nợ của Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower. Đầu tháng 3.2018, VAMC công bố bán đấu giá dự án này với giá khởi điểm 6.110 tỉ đồng, nhưng không ai mua dù chủ dự án này vay vốn gốc lẫn lãi đến thời điểm bị VAMC thu hồi là trên 7.000 tỉ đồng. Do đấu giá không thành công nên VAMC đã bàn giao lại tài sản khoản nợ cho phía ngân hàng xử lý và đến nay sau nhiều lần đấu giá thất bại, dự án đã về tay chủ mới.

Trên website của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Viva Land giới thiệu đơn vị này là một công ty có chức năng mua bán dự án, quản lý dự án, quản lý quỹ và tài sản. Một số dự án được giới thiệu trên website của công ty này gồm có dự án IFC One, Saigon, một số dự án khác ở Q.1, TP.HCM, một dự án ở Singapore và có siêu dự án Mũi Đèn Đỏ trị giá 6 tỉ USD từng được công bố là của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ở đường Đào Trí (Q.7, TP.HCM).

Chiều 30.11, có mặt tại dự án này chúng tôi thấy các công nhân của nhà thầu Coteccons đang tiến hành các bước để dọn dẹp mặt bằng, làm mới lại tường rào dự án. Các công nhân tại đây cho biết dự án đã khởi động lại một thời gian, toàn bộ phần kính mặt ngoài của tòa nhà bị lột xuống thay bằng lớp kính với diện mạo hoàn toàn mới.

Các loại vật tư thiết bị hoàn thiện của tòa nhà đã lắp đặt trước đây cũng sẽ được thay thế do dự án này đắp mền quá lâu nên các trang thiết bị cũng đã xuống cấp, hư hại.

Khách hàng phấp phỏng

Việc cao ốc Saigon One Tower tái sinh khiến nhiều người mua căn hộ ở đây khấp khởi vừa mừng vừa lo. Thực tế những năm 2007 - 2008, Saigon One Tower là cái tên đình đám trong làng bất động sản khi sở hữu vị trí vàng. Thế nên dù giá đắt đỏ, từ 100 - 150 triệu đồng/m2 (thời điểm đó) nhưng rất nhiều nhà đầu tư vẫn bỏ tiền chốt căn. Thậm chí có một vị nữ đại gia đã mua sỉ liền một lúc 50 căn hộ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, có khoảng 100 khách hàng mua căn hộ tại dự án này với số tiền đã đóng mỗi người trên chục tỉ đồng. Thế nhưng, đến năm 2011, dự án bỗng dưng dừng thi công và cũng từ đó các khách hàng ngậm trái đắng vì nhà không có mà nhận, vốn hàng chục, hàng trăm tỉ bị chôn vô thời hạn.

Ông Hồ Minh Trí, một khách hàng mua căn hộ tại dự án này, cho biết mấy năm qua, dự án dừng triển khai, ông đã yêu cầu chủ đầu tư thanh lý hợp đồng, trả lại tiền gốc và lãi, nhưng công ty không có tiền trả như điều khoản đã ký kết trong hợp đồng. Quá bức xúc, ông đã khởi kiện ra tòa để yêu cầu trả lại tiền và bồi thường. Thế nhưng, dù tòa án đã tuyên ông thắng kiện, buộc chủ đầu tư phải trả lại tiền gốc và lãi phạt và hồ sơ của ông đã chuyển qua thi hành án để xử lý, nhưng đến nay ông vẫn chưa nhận được tiền gốc và khoản phạt hơn 2,1 tỉ đồng. Hàng trăm khách hàng khác nghe tin dự án tái khởi động cũng chưa biết số phận căn hộ mình mua sẽ thế nào. Liệu hợp đồng mua bán có được tiếp tục nữa hay phát sinh vấn đề gì hay không.

Tùy thuộc vào thiện chí các bên

Theo luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM, dù dự án về tay chủ mới nhưng cũng phải dựa trên các căn cứ chính để giải quyết. Trong đó, nguyên tắc đầu tiên khi ngân hàng phát mãi dự án là ngân hàng chỉ được thanh toán trong phạm vi được bảo đảm, khoản dôi dư nếu có phải hoàn trả chủ đầu tư. Tuy nhiên, hiện luật pháp chưa có quy định nào về thứ tự chi trả hoặc phong tỏa đối với số tiền dôi dư này mà chỉ có một số biện pháp hành chính (nợ thuế, xử phạt….) hoặc biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa án có thể thực hiện ngay. Ngoài ra, đối với những người liên quan như khách hàng đã góp vốn tại dự án, thì căn cứ vào hiệu lực pháp luật của giao dịch đó. Tức là việc giải quyết quyền lợi của khách hàng phải tùy theo hiệu lực pháp lý giao dịch của họ với chủ đầu tư.

Trước khi ban hành luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, pháp luật công nhận việc góp vốn và nhận sản phẩm. Với mỗi giai đoạn sẽ có những yêu cầu cụ thể khác nhau. Trong trường hợp giao dịch góp vốn đủ điều kiện và hợp pháp (giao dịch trước khi thế chấp hoặc sau khi thế chấp nhưng được ngân hàng đồng ý) thì khách hàng sẽ được đảm bảo về quyền lợi. Phía ngân hàng sẽ phải giải quyết quyền lợi của người mua bằng cách hoàn trả, bồi thường bằng tiền hoặc thỏa thuận thêm với bên mua tài sản tiếp tục thực hiện hợp đồng góp vốn. Nếu không chấp thuận việc giải quyết, khách hàng có thể kiện ra tòa yêu cầu chủ đầu tư (bị đơn) và ngân hàng trả lại tiền. Trong trường hợp giao dịch góp vốn không đủ điều kiện hoặc không hợp pháp (tức những giao dịch sau khi thế chấp nhưng không được ngân hàng đồng ý) thì những khách hàng này không được đảm bảo quyền lợi chắc chắn, họ có thể khởi kiện chủ đầu tư để hoàn trả tiền vì giao dịch không có hiệu lực pháp lý.

Cũng theo luật sư Trần Đức Phượng, một trường hợp nữa có thể xảy ra, đó là chủ đầu tư mới sẽ tự nguyện thỏa thuận cùng với các khách hàng góp vốn, ngân hàng và chủ đầu tư cũ là Công ty CP địa ốc Sài Gòn M&C cùng giải quyết quyền lợi của họ. Ngoài những khả năng trên, các bên gồm khách hàng, Công ty CP địa ốc Sài Gòn M&C, ngân hàng, chủ đầu tư mới có thể đưa ra một sự thỏa thuận thống nhất phương án giải quyết cho tất cả các khách hàng. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào ý chí và thiện chí của các bên chứ không ép buộc được.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.