Khách hàng muốn mua điện trực tiếp, cần làm những thủ tục gì?

05/08/2024 18:19 GMT+7

Khách hàng sử dụng điện lớn, khi tiến hành thủ tục theo cơ chế mua bán điện trực tiếp vừa được ban hành, cần tuân thủ những quy định nào khi mua điện trực tiếp từ đơn vị phát điện năng lượng tái tạo?

Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), đối với cá nhân, tổ chức muốn tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp (cơ chế DPPA theo Nghị định 80/2024) phải đảm bảo sản lượng điện tiêu thụ bình quân tại thời điểm nộp hồ sơ tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp là từ 200.000 kWh/tháng trở lên (tính trung bình 12 tháng gần nhất); khách hàng sử dụng điện lớn mới hoặc có thời gian sử dụng điện dưới 12 tháng là từ 200.000 kWh/tháng trở lên (tính theo sản lượng đăng ký).

Lưu ý, khách hàng sử dụng điện lớn phải đảm bảo các yêu cầu về: quy hoạch, đầu tư; được cấp giấy phép hoạt động điện lực; quy định về an toàn điện, an toàn phòng chống cháy, nổ trong xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, vận hành (phát điện, truyền tải điện, phân phối điện) và an toàn trong sử dụng điện; quy định về mua bán điện và hợp đồng và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Ký hợp đồng mua bán điện, giá tự thỏa thuận

Theo Cục Điều tiết điện lực, khách hàng sử dụng điện lớn tự đàm phán, thỏa thuận và ký kết hợp đồng mua bán điện với đơn vị phát điện năng lượng tái tạo phù hợp với quy định tại luật Điện lực và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Khách hàng muốn mua điện trực tiếp, cần làm những thủ tục gì?- Ảnh 1.

Minh họa cơ chế mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng

Các nội dung chính của hợp đồng mua bán điện bao gồm: Chủ thể hợp đồng; mục đích sử dụng; tiêu chuẩn và chất lượng dịch vụ; quyền và nghĩa vụ của các bên; giá điện, phương thức và thời hạn thanh toán; điều kiện chấm dứt hợp đồng; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; thời hạn của hợp đồng; trách nhiệm đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành đường dây kết nối riêng; các nội dung khác do hai bên thỏa thuận. Giá bán điện do hai bên thỏa thuận trừ trường hợp quy định khác.

Khách hàng sử dụng điện lớn được mua bán điện với Tổng công ty Điện lực (hoặc đơn vị bán lẻ điện không phải Tổng công ty Điện lực) theo quy định.

Trách nhiệm tuân thủ và báo cáo

Cục Điều tiết điện lực lưu ý, khách hàng sử dụng điện lớn có trách nhiệm tuân thủ quy định tại điều 47 luật Điện lực và các quy định về thực hiện các quy định về an toàn trong sử dụng điện; đầu tư hạ tầng lưới điện (áp dụng trong trường hợp khách hàng sử dụng điện lớn có trạm điện) tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện; tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

Ngoài ra, khách hàng sử dụng điện lớn phải có đội ngũ quản lý, vận hành lưới điện (áp dụng trong trường hợp khách hàng sử dụng điện lớn có trạm điện) đáp ứng quy định về an toàn điện (được đào tạo về chuyên ngành điện; được huấn luyện, sát hạch và cấp thẻ an toàn điện theo quy định).

Trong thời hạn 10 ngày kể từ thời điểm ký kết hợp đồng mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng, khách hàng sử dụng điện lớn có trách nhiệm báo cáo các thông tin liên quan khi bắt đầu thực hiện đến Bộ Công thương, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trong địa bàn quản lý) các thông tin về chủ thể hợp đồng (bên mua, bên bán); sản lượng điện năng thỏa thuận và giá điện.

Hằng năm, trước ngày 30.1, khách hàng sử dụng điện lớn có trách nhiệm báo cáo Bộ Công thương, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về kết quả mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng trong năm. Nội dung báo cáo là các thông tin về chủ thể hợp đồng (bên mua, bên bán); sản lượng điện năng mua bán trong năm; chi phí mua điện trực tiếp; các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.