Khách hàng ngóng giảm lãi, giãn nợ

11/09/2021 06:33 GMT+7

Việc Ngân hàng Nhà nước kéo dài thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí đến 30.6.2022 khiến nhiều khách hàng như trút được gánh nặng dù vẫn đang chờ quyết định chính thức từ phía các nhà băng.

Thấp thỏm chờ đợi

Chị H.T.Ngân (ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM) cho biết sau khi Ngân hàng (NH) Nhà nước ban hành Thông tư 14 triển khai các biện pháp hỗ trợ người vay vốn gặp khó khăn do dịch Covid-19, hồ sơ vay của chị đã được trình để giảm lãi vay 1%/năm. Từ tháng 8.2020, chị H.T.Ngân vay TPBank số tiền 1,1 tỉ đồng để mua nhà, sau khi hết thời gian 1 năm ưu đãi lãi suất 8,9%/năm, mới đây NH thông báo tăng lãi suất lên 11,8%/năm khiến chị “tá hỏa” vì thu nhập giảm nên việc trả gốc và lãi vay trở thành “sức ép không thở nổi”.
Trước đó, chị Ngân có liên hệ NH xin giảm lãi, giãn nợ hay ân hạn thì được trả lời, việc này chỉ áp dụng cho những khoản nợ phát sinh từ trước ngày 10.6.2020. Đang không biết làm thế nào thì “may quá NH Nhà nước nới ra cho các khoản nợ sau ngày 10.6.2020 cũng được hưởng các chính sách hỗ trợ nên tôi cũng đủ điều kiện”, chị Ngân nói và đang chờ quyết định chính thức từ phía NH.
Tương tự, ông Ngô Phát (chủ tiệm máy Vĩnh Phát) cũng đang chờ đợi phía SeABank An Giang giảm lãi vay. Ông Phát cho biết, năm 2014, ông vay 3 tỉ đồng, lãi suất đang trả hơn 13%/năm. 3 tháng gần đây (từ tháng 7, 8 và 9), doanh thu cửa hàng kinh doanh máy móc của ông sụt giảm trầm trọng nhưng phía NH cũng chưa có động thái nào hỗ trợ. “Tôi không cần cơ cấu hay giãn nợ, chỉ mong NH giảm lãi để bớt gánh nặng vay. Thực ra về bản chất cơ cấu nợ thì khách hàng vẫn phải trả nhưng bị dồn vào những kỳ sau sẽ “đuối”. Hơn nữa, sau thời gian cơ cấu nợ là thời gian thử thách, nếu không trả được nợ thì ngay tức thì khoản nợ bị nhảy nhóm cao hơn. Chính vì vậy, tôi chỉ muốn giảm lãi vay thôi”, ông Phát phân tích.
Khá may mắn vì được NH giảm lãi vay 2 lần trong thời gian qua, xuống còn 5%/năm cho khoản vay nên ông Trần Thanh Phong, Giám đốc Công ty Thiên Bút, mong muốn được cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ vay dài hơn. Hợp đồng vay của công ty 50 tỉ đồng, trong 6 tháng mà gặp giãn cách xã hội kéo dài, hàng không bán được. “Công ty tôi nhập thực phẩm đông lạnh bán sỉ vào siêu thị, chợ, bán cho các công ty suất ăn công nghiệp…
Do dịch, hàng vào siêu thị cũng giảm còn khoảng 30%, công ty cũng phối hợp với một số phường trên địa bàn TP.HCM để bán hàng qua kênh đi chợ hộ mà cũng không thể cung ứng được ra thị trường. Dòng tiền trước đây quay vòng từ 30 - 45 ngày về công ty nhưng nay có khi lên 6 tháng, nên chỉ mong NH cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ dài hơn để khi thị trường mở cửa trở lại có dòng tiền trả nợ, không để rơi vào thành nợ xấu. Hy vọng thông tư mới cho doanh nghiệp được kéo dài thời gian trả nợ hơn”, ông Phong cho hay.

Giảm lãi hơn 24.000 tỉ đồng

Theo Thông tư 14 sửa đổi bổ sung Thông tư 01 quy định về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 thay đổi các khoản nợ phát sinh từ ngày 10.6.2020 đến trước ngày 1.8.2021, thay vì chỉ bao gồm các khoản nợ phát sinh đến trước ngày 10.6.2020 theo Thông tư 01, đồng thời kéo dài thời gian hỗ trợ khách hàng đến 30.6.2022 thay vì 31.12.2021.
Thông tư này được đánh giá tháo gỡ rất nhiều “nút thắt” trong việc hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng dịch từ sau ngày 10.6.2020 đến nay. Thế nhưng một chuyên gia tài chính cho rằng, giảm lãi vay phụ thuộc vào quyết định của NH chứ không nhất thiết phải chờ đến việc ban hành thông tư của NH Nhà nước. Thực tế, chỉ có vấn đề cơ cấu nợ mới cần quy định cụ thể mà thôi.
Tính đến cuối tháng 7, các NH đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 198.638 khách hàng với dư nợ 309.147 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 787.479 khách hàng với dư nợ hơn 1,395 triệu tỉ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23.1.2020 đến nay đạt hơn 4,042 triệu tỉ đồng cho 525.401 khách hàng.
Chỉ tính riêng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay mà các NH thực hiện từ năm 2020 và 7 tháng đầu năm 2021 đã có khoảng gần 800.000 khách hàng, kể cả doanh nghiệp lớn, nhỏ, các hộ kinh tế gia đình với dư nợ gần 2 triệu tỉ đồng theo điều kiện thực tế mỗi loại hình doanh nghiệp, mỗi ngành nghề khác nhau.
Ngay sau khi Thông tư 14 ban hành và có hiệu lực từ ngày 7.9, một số NH đã họp để có thể triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng. Đại diện NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho hay ở một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội thì hệ thống NH tự động giãn nợ theo thời gian mà địa phương đó quy định giãn cách. Còn đối với cơ cấu lại nợ thì nhân viên tự động điện cho khách hàng nào đủ điều kiện để thông báo khách hàng có nhu cầu, NH sẽ đáp ứng. Riêng đối với khách hàng hội đủ các điều kiện giảm nợ theo quy định, NH sẽ xét giảm khi khách có đề xuất. Một số nhà băng khác cũng đang bắt đầu thực hiện các biện pháp cơ cấu hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trước đó, 16 NH đã cam kết thực hiện giảm lãi suất cho vay cũ đối với khách hàng từ 0,5 - 3%/năm tùy theo điều kiện của mỗi nhà băng, chẳng hạn Agribank lần thứ 5 liên tiếp giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng với mức giảm tiếp 10% so với lãi suất đang cho vay; BIDV giảm từ 0,5 - 1,5% cho các khoản vay của khách hàng; VietinBank giảm lãi suất cho vay lên tối đa 1%/năm đồng loạt đối với tất cả khoản dư nợ hiện hữu của khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… Các NH thương mại đã cam kết hơn 24.000 tỉ đồng giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.