Hạ tầng “kích” thị trường BĐS
Mới đây, trong báo cáo về thị trường BĐS quý 2/2020, Công ty DKRA Vietnam, cho biết đối với phân khúc đất nền, khu đông tiếp tục dẫn đầu nguồn cung mới và sức cầu, chiếm 74% cơ cấu nguồn cung mới và 85,7% lượng tiêu thụ trên nguồn cung mới. Ở phân khúc căn hộ, khu đông và khu nam vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cung. Trong khi đó, nói về nguồn cung mới trong thời gian tới, công ty này khẳng định khu đông tiếp tục dẫn đầu thị trường.
Theo đại diện Tập đoàn Novaland, cuối tháng 4 vừa qua, tỉnh Đồng Nai đã chính thức khởi công xây dựng các công trình hạ tầng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn nhằm phục vụ xây dựng Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành. Mới đây, ngày 18.5, UBND H.Long Thành cũng chính thức tổ chức chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho những hộ dân đầu tiên có đất bị thu hồi thuộc dự án sân bay Long Thành. Theo kế hoạch, từ đây đến cuối năm, toàn bộ tiền đền bù ở sân bay Long Thành phải được giải ngân xong cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án sân bay Long Thành, với số tiền khoảng 1 tỉ USD. “Hiện nhiều doanh nghiệp đang gấp rút triển khai dự án, mở bán sản phẩm để đón dòng tiền này”, vị này cho biết.
|
Cũng theo ông Quang, TP đang xúc tiến việc thành lập TP phía đông trực thuộc TP.HCM trên cơ sở sáp nhập 3 quận là 2, 9 và Thủ Đức. Như vậy, việc thành lập TP phía đông sẽ giúp thị trường BĐS khu vực hưởng lợi vì Q.9 là khu công nghệ cao, Thủ Đức là trung tâm đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học với 15 trường đại học, tổng cộng hơn 100.000 sinh viên, còn Q.2 là trung tâm tài chính.
Khu vực này rộng hơn
21.000 ha với hơn 1 triệu dân. Nếu tích hợp lại sẽ đóng góp 30% GDP của TP.HCM, nghĩa là 4 - 5% GDP cả nước. “Bất chấp sự tác động tiêu cực của dịch Covid-19, trong thời gian tới, khu đông dự báo vẫn tiếp tục có sự tăng trưởng, giá BĐS khu vực này có thể tăng 5 - 10%”, ông Quang nhận định.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu nhận định TP.HCM thành lập TP phía đông sẽ kích thích thị trường BĐS khu vực này phát triển vượt bậc hơn nữa. TP phía đông sẽ được xây dựng theo mô hình khu đô thị sáng tạo nên phân khúc BĐS nhà ở, căn hộ, văn phòng cao cấp đang có rất nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới.
Theo ông Châu, khi TP phía đông hình thành sẽ thu hút một lượng lớn cư dân là những nhà khoa học, các chuyên gia cố vấn nước ngoài có mức thu nhập rất cao. BĐS hạng A sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý TP cần quan tâm, chú trọng phát triển phân khúc BĐS bình dân để phục vụ một lượng lớn cư dân địa phương, nhất là những người có thu nhập thấp.
Nóng “lan” qua Đồng Nai
Tiếp giáp với phía đông TP.HCM, Đồng Nai được hưởng lợi nhiều từ việc đầu tư hạ tầng ở khu vực phía đông TP.HCM. Bên cạnh sân bay quốc tế Long Thành với mức đầu tư lớn, được xem là động lực phát triển cho Đồng Nai, vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước, hiện tỉnh đã có các tuyến đường giao thông huyết mạch bao gồm QL1A, QL51 và tuyến cao tốc từ TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng với tổng chiều dài hơn 55 km, được thông xe từ năm 2015.
Mới đây cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã được đề xuất mở rộng lên 6 - 8 làn xe, loạt tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Liên Khương, Biên Hòa - Vũng Tàu đang được chủ trương đẩy nhanh tiến độ hay tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cũng đang gấp rút hoàn thành để đưa vào chạy thử nghiệm, Bến xe Miền Đông mới cũng sắp đi vào hoạt động.
Trong tương lai gần, khoảng cách giữa Đồng Nai đến TP.HCM sẽ còn được rút ngắn với các dự án giao thông mới đã và sẽ được xây dựng như đường hương lộ 2 kết nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã làm việc với các sở, ngành và địa phương liên quan về dự án xây dựng tuyến đường liên vùng 4 có chiều dài khoảng 45 km, rộng 40 m, có cầu bắc qua sông Đồng Nai với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 6,6 ngàn tỉ đồng. Tuyến đường kết nối đường Vành đai 3 với QL51, thông ra ngã tư Dầu Giây - Long Thành, QL1 và ĐT769. Tuyến đường sẽ đi qua địa bàn Q.9 (TP.HCM), TP.Biên Hòa và H.Long Thành (Đồng Nai).
Chính sự đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng cùng những chủ trương về quy hoạch là động lực kéo dòng vốn đầu tư đổ về đây. Thị trường BĐS phía đông TP.HCM nói chung và khu vực Đồng Nai nói riêng được đẩy lên một cấp độ mới, thiết lập những mặt bằng giá mới.
Hiện nhiều doanh nghiệp đã “chạy” về các tỉnh lân cận TP.HCM để phát triển dự án khi mà quỹ đất của TP.HCM ngày càng hạn hẹp, thủ tục hành chính kéo dài và đặc biệt là giá đất đã quá cao.
Điển hình như Tập đoàn Novaland đã về khu vực Biên Hòa đầu tư khu đô thị sinh thái thông minh Aqua City rộng 385 ha. Khu đô thị này nằm ngay trên trục đường lớn hương lộ 2, sát QL51 và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Từ dự án cư dân chỉ mất 10 phút để vào trung tâm TP.Biên Hòa. Khi các dự án hạ tầng hoàn thiện, từ Aqua City chỉ mất khoảng 20 phút đến TP.HCM hay sân bay quốc tế Long Thành. Theo Tập đoàn Novaland, Aqua City được quy hoạch đồng bộ, trong đó, 70% dự án dành cho cảnh quan xanh, hạ tầng giao thông và các tiện ích nội khu hiện đại, đẳng cấp như công viên ven sông, quảng trường, khu cắm trại, trường học, bệnh viện theo tiêu chuẩn quốc tế, bến du thuyền, trung tâm thể thao đa năng... đáp ứng mọi nhu cầu của cư dân nơi đây. Hay Tập đoàn Đất Xanh cũng về Long Thành đầu tư khu đô thị của khu đô thị giải trí Gem Sky World rộng gần 100 ha, Tập đoàn Kim Oanh cũng đầu tư dự án rộng hơn 60 ha tại Long Thành, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng liên kết với Công ty golf Long Thành triển khai dự án tại đây.
Bình luận (0)