(TNO) Ngày 14.7, TAND TP.HCM tuyên bản án phúc thẩm vụ kiện tranh chấp trong lĩnh vực tín dụng giữa nguyên đơn là bà N.T.T. (ngụ Đà Nẵng) và bị đơn là ngân hàng Việt Á có trụ sở tại quận 1 (TP.HCM). Theo đó, Hội đồng xét xử tuyên buộc ngân hàng phải trả cho bà N.T.T. 70.895,81 USD và toàn bộ lãi suất theo quy định.
Trước đó xử sơ thẩm, TAND quận 1 (TP.HCM) chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T. Sau đó, ngân hàng kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm tuyên bác yêu cầu khởi kiện của bà T. Song song đó, Viện KSND có kháng nghị bác yêu cầu của bà T. vì bà không chứng minh được nguồn gốc số tiền gửi vào sổ tiết kiệm.
Theo đơn khởi kiện, đại diện cho bà T. trình bày bà có 2 sổ tiết kiệm bằng ngoại tệ gửi tại chi nhánh ngân hàng này ở Đà Nẵng. Sổ thứ nhất mang số 1500012503 (gọi tắt là sổ 503) gửi ngày 26.8.2010 trị giá 70.000 USD. Sổ thứ hai có số 150100026037 (gọi tắt là sổ 037) gửi ngày 29.1.2011, số tiền gốc 70.895,81 USD. Ngày 26.5.2011, bà T. đến ngân hàng rút tiền lãi và một phần tiền gốc của sổ tiết kiệm 503 nhưng bị ngân hàng từ chối.
Ngân hàng cho rằng sổ này đã tất toán với bà T. vào ngày 29.1.2011, số tiền gốc và lãi đã được chuyển sang lập sổ mới chính là sổ 037. Theo trình bày của ngân hàng, bà T. có trong tay 2 quyển sổ tiết kiệm, nhưng ngày 29.1.2011, bà T. đến ngân hàng tất toán sổ 503 và chuyển toàn bộ số tiền theo hình thức chuyển khoản sang mở sổ mới là sổ 037 để tham gia chương trình Lộc Xuân. Tuy nhiên, do sai sót của nhân viên ngân hàng quên thu hồi lại sổ tiết kiệm số 503 nên bà T. có 2 sổ tiết kiệm của cùng một số tiền gốc.
Bên cạnh đó, thời gian này, ngân hàng đang áp dụng chương trình mới nên việc tất toán, chuyển khoản lưu trong hệ thống không có chữ ký của khách hàng.
Trong khi đó, nguyên đơn trình bày, sau ngày 29.1.2013 (ngày mở sổ 037) thì sổ 503 còn hai lần được gia hạn, được nhân viên ngân hàng ghi rõ trong sổ tiết kiệm này. Theo nguyên đơn, nếu đã tất toán không thể tiếp tục gia hạn.
Theo Hội đồng xét xử, nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự trong vụ án. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà T. đưa ra chứng cứ là sổ tiết kiệm 503 có xác nhận gia hạn của ngân hàng. Trong khi đó, bị đơn không xuất trình được chứng cứ chứng minh đã tất toán sổ tiết kiệm 503 trên nên phải chịu hậu quả pháp lý là phải trả cho bà T. số tiền trong sổ. Đồng thời, tòa cũng nhận định bà T. không có nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc số tiền.
Lê Nga
>> Tín dụng tăng thấp so với chỉ tiêu
>> Tín dụng ngoại tệ tăng trưởng nóng
>> ‘Nóng’ tín dụng ngoại tệ
Bình luận (0)