(TNO) Với thói quen mang thẻ tín dụng hoặc ghi nợ thay cho tiền mặt, nhiều du khách quốc tế đang trong tình trạng “mắc kẹt” ở Hy Lạp khi các máy ATM nước này cạn tiền.
Tình trang nợ của Hy Lạp khiến ngành du lịch nước này gặp khó
|
Khi cuộc đàm phán giữa chính phủ Hy Lạp và chủ nợ quốc tế tiếp tục đổ vỡ vào cuối tuần qua và những đồn đoán về các biện pháp kiểm soát vốn lan truyền tại Hy Lạp, người dân nước này đổ xô đến máy ATM để rút ra càng nhiều tiền càng tốt. Vài máy đã cạn tiền từ trước khi chính phủ đặt giới hạn một người chỉ được rút 60 euro/ngày vào hôm 29.6.
Hầu hết khách du lịch tới nước ngoài không mang theo nhiều tiền mặt mà dùng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ. Vì thế, tình trạng "cạn tiền" này cũng khiến ngành du lịch Hy Lạp bị xáo trộn giữa mùa cao điểm, theo Bloomberg hôm 30.6.
Tại đảo Agistri thuộc Hy Lạp, máy ATM duy nhất đã cạn kiệt những đồng euro cuối cùng từ ngày 28.6. Emile Fitzsimmons, sinh viên 24 tuổi, học ngành luật tại London (Anh), nói: “Tôi và bạn trai không thể trả tiền thuê xe máy trên đảo và chỉ có thể trả người cho thuê xe tờ 20 EUR cuối cùng của chúng tôi”. Cô Fitzsimmons có kế hoạch rời Agistri để đến Acropolis ở Athens vào chiều 30.6.
Còn Kerry Carter và gia đình cô thì đáp máy bay từ Boston (Mỹ) đến Athens vào đúng chiều 28.6. Họ chỉ mang theo 140 USD tiền mặt và không thể rút thêm tiền ở sân bay. “Chúng tôi thật sự lo lắng khi đến nơi”, cô Carter nói. Cô còn cố gắng trả tiền taxi bằng thẻ tín dụng, nhưng tài xế chỉ cười lớn.
Tiền mặt khan hiếm khiến khách nước ngoài cảm thấy bất tiện, gây áp lực lên nền kinh tế vốn coi du lịch là một trong những nguồn thu lớn cho ngân sách. Hiện tại, nợ Hy Lạp chiếm đến 17% GDP.
Trong khi hãng lữ hành TUI AG cho biết tình hình tại Hy Lạp vẫn “ổn định” và một công ty khác cho hay vẫn chưa có chuyến đi nào đến Hy Lạp bị hủy, thì ông Elman Vasileios - người sáng lập hãng Majestic Travel - cho hay công ty ông đã hủy khoảng 1.500 tour đến Hy Lạp trong tuần này. Đa số khách hủy chuyến là người Mỹ.
“Sự bất ổn làm mọi người lo sợ. Tôi đã phải trả 20 EUR tiền ăn cho khách hàng vì họ không có tiền mặt. 6 người khác ở Santorini thì không thể trả tiền taxi”, Vasileios nói.
Kostas Mallios, chủ một cửa hàng bán đồ lưu niệm, cho hay khủng hoảng đang khiến khách quốc tế sợ hãi, và càng nhiều người hủy chuyến sẽ càng khiến tình hình kinh tế Hy Lạp xấu thêm. Chi phí cả năm sinh sống của Mallios dựa vào 6 tháng mùa cao điểm du lịch.
Khách hủy tour hàng loạt sẽ làm trầm trọng thêm những vấn đề mà nền kinh tế Hy Lạp đang gặp phải: “Tôi kiếm tiền từ khách du lịch, còn người bản xứ chỉ mua thuốc lá thôi. Chúng tôi cần khách du lịch, cá nhân tôi cũng cần họ”.
Bình luận (0)