Khách sạn 5 sao không đón được khách vì... không có người dọn phòng

08/08/2022 11:48 GMT+7

Đó là câu chuyện được bà Cao Thị Tuyết Lan - Giám đốc điều hành Công ty du lịch và sự kiện Viettours chia sẻ tại chương trình Liên kết Sức mạnh Du lịch Việt Nam năm 2022 do Hiệp hội Du lịch TP.HCM tổ chức sáng nay (8.8).

Trong khuôn khổ chương trình Liên kết Sức mạnh Du lịch Việt Nam năm 2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có buổi gặp gỡ địa phương và doanh nghiệp nhằm phục hồi và phát triển du lịch.

Hạ tầng quá tải, nhân lực đứt gãy

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Cao Thị Tuyết Lan - Giám đốc điều hành Công ty du lịch và sự kiện Viettours - cho rằng để giải bài toán làm sao nhanh chóng phục hồi thị trường khách quốc tế, ngành du lịch Việt Nam cần nhìn thẳng vào thực trạng hiện nay. Sau 2 năm bị kìm nén vì dịch bệnh, nhu cầu du lịch nội địa bùng phát mạnh mẽ đã khiến cơ sở hạ tầng ngành du lịch quá tải trầm trọng.

Dẫn chứng, bà Cao Thị Tuyết Lan kể mới đây, Viettours tổ chức đưa 1 đoàn khách MICE gồm 600 người tới TP.HCM nhưng 1 khách sạn 5 sao quốc tế thông báo phải tới 23 giờ đêm mới có phòng cho du khách, nguyên nhân không phải vì hết phòng mà là vì không có người dọn phòng.

Tương tự, các điểm đến đều thông báo "full" dịch vụ, hết phòng khiến công ty lữ hành không dám nhận thêm khách. Các sản phẩm dịch vụ chỉ tập trung phát triển tại một số điểm đến như Phú Quốc, Hạ Long, Đà Nẵng... trong khi các vùng khác chưa thật sự mở cửa, chưa được đầu tư quảng bá để thu hút du khách.

Theo bà, hạ tầng cơ sở nội tại quá tải, ngay cả "cửa vào" là thủ tục cấp visa cho khách quốc tế cũng vô cùng khó khăn.

"Hôm rồi chúng tôi muốn làm visa cho đối tác nước ngoài sang họp mà phải lên đăng ký lấy số trên Cục Xuất nhập cảnh từ 6 giờ sáng rồi tới 5 tuần sau mới được lên nộp hồ sơ. Mời những khách cao cấp, có chức vụ đã khó như thế thì khách quốc tế đến Việt Nam kiểu gì? Doanh nghiệp tổ chức tour outbound cũng khó khăn vì các vấn đề liên quan tới việc cấp mới, đổi hộ chiếu... Du lịch sắp tới sẽ phát triển mạnh hơn, nếu không nhanh chóng giải quyết những điểm nghẽn này thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu khách quốc tế giai đoạn tới" - vị này đặt vấn đề.

Ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Saigontourist cũng nhận định nguồn nhân lực du lịch sau dịch bệnh gần như đứt gãy hoàn toàn. Lao động ngành không chỉ thiếu mà còn suy giảm mạnh về chất lượng. Nếu không nhanh chóng có những chính sách hỗ trợ tập trung cho các cơ sở đào tạo về du lịch, thiết kế chương trình đào tạo nhanh nhất để phục hồi nhanh chóng nguồn nhân lực thì sẽ rất khó để đảm bảo chất lượng phục vụ, chất lượng sản phẩm trong giai đoạn tới.

Việt Nam đặt mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm 2022

NHẬT THỊNH

Khơi thông dòng chảy khách quốc tế

Chia sẻ thêm về hoạt động của doanh nghiệp, ông Võ Anh Tài cho biết sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ ngày 15.3, thị trường nội địa đã chứng kiến sự bùng nổ, phát triển mạnh mẽ. Điều này giúp ngành du lịch vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn sau đại dịch, song các doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều trăn trở phía trước.

Cụ thể, 80% công suất phòng tại các cơ sở lưu trú thuộc hệ thống Saigontourist trong năm phụ thuộc vào thị trường khách quốc tế nhưng trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam mới chỉ đón được hơn 600.000 lượt khách quốc tế, chiếm tỷ trọng quá thấp. Cùng với đó, các trung tâm hội nghị cũng phụ thuộc rất lớn vào thị trường khách MICE, khách cao cấp, nhất là tại TP.HCM.

Vì thế, trong bối cảnh mùa cao điểm du lịch hè sắp kết thúc, nếu dòng khách inbound chưa phát triển trở lại thì các hệ thống lưu trú, điểm đến sẽ vô cùng khó khăn khi bước vào mùa thấp điểm nhất của du lịch - giai đoạn tháng 9, tháng 10 tới.

"Sau đại dịch, muốn phục hồi kinh tế thì phải phục hồi du lịch. Để phục hồi du lịch thì phải phát triển hoàn toàn du lịch quốc tế mà cụ thể là khách inbound, không thể chỉ phụ thuộc vào du lịch nội địa. Các địa phương cần có kế hoạch xây dựng những sản phẩm, chương trình hội nghị, hội thảo không chỉ về du lịch mà còn về ngoại giao, văn hóa, thể thao... Có nhiều sự kiện lớn sẽ tạo điều kiện để Việt Nam đón được các dòng khách ngoại giao, kinh doanh của các thị trường chính mà đang còn ảnh hưởng về rào cản dịch bệnh" - ông Võ Anh Tài nêu ý kiến.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Travel Mart đề xuất để sớm khơi thông dòng chảy khách quốc tế, Việt Nam phải sớm có trao đổi với các cơ quan ngoại giao để sớm mở cửa song phương một số thị trường khách lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Đồng thời, phải tháo gỡ các điểm nghẽn cho từng địa phương, xây dựng được thể chế xúc tiến vùng để hình thành các sản phẩm độc đáo, hấp dẫn, thu hút du khách quốc tế.

Dẫn chứng cơ cấu doanh thu của 18 triệu du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2019 còn lớn so với doanh thu của 85 triệu khách nội địa, ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist nhấn mạnh thị trường quốc tế vô cùng quan trọng đối với hạ tầng du lịch Việt Nam. Ông kiến nghị lãnh đạo ngành cùng các địa phương cần phải nhanh chóng định hướng nguồn khách, định hướng thị trường cho các doanh nghiệp theo 2 giai đoạn, từ nay đến cuối năm và sau 2023.

Về sản phẩm, Việt Nam cần có hệ thống sản phẩm khác biệt, độc đáo và hấp dẫn hơn. Mỗi đại phương cần có ít nhất một sản phẩm khác biệt để tạo ra hệ thống sản phẩm mới đủ sức thu hút du khách, để du lịch quốc tế phục hồi nhanh chóng.

Với chủ đề “Tăng trưởng du lịch quốc tế, phục hồi toàn diện du lịch Việt Nam”, Liên kết Sức mạnh Du lịch Việt Nam năm 2022 là sự kiện quan trọng của ngành du lịch diễn ra trong 2 ngày 8 - 9.8 tại TP.HCM.

Ngoài chương trình B2B với 120 gian hàng dành cho các doanh nghiệp hàng không, lữ hành, khách sạn, địa phương, Liên kết Sức mạnh Du lịch Việt Nam năm 2022 còn có Diễn đàn Lữ hành toàn quốc: Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam với chủ đề “Sản phẩm mới, thị trường mới” và Hội thảo về đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc tế cho các khách sạn cao cấp trong giai đoạn mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.