"Chúng tôi rất muốn chung tay"
Trong danh sách các điểm nghỉ miễn phí đăng tải bởi tài khoản Huy Nguyễn, các đoàn xuất phát từ TP.HCM có thể ghé dừng chân tại 2 cơ sở lưu trú là khách sạn Joy và homestay Mộc Miên (TP.Tuy Hòa, Phú Yên).
Anh Nguyễn Lê Khang Cường, Giám đốc khách sạn Joy, cho biết đã đăng tải thông tin rộng rãi để nhiều người đi cứu trợ biết. Không chỉ các đoàn cứu trợ từ phía nam mà ngay cả từ phía bắc đi vào vẫn có thể ghé nghỉ ngơi qua đêm.
Theo anh Cường, khách sạn mở cửa cho các đoàn cứu trợ từ ngày 12.9 và kéo dài đến tuần sau. Khách sạn này có khoảng 30 phòng với sức chứa 80 người. "Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ mọi người, nhất là bà con Phú Yên hiện cũng đang hướng về miền Bắc", anh Cường chia sẻ.
Các điểm nghỉ ngơi, ăn uống miễn phí khác ở miền Trung còn "xuất hiện" ở TP.Quy Nhơn (Bình Định), TP.Huế (Thừa Thiên - Huế), Quảng Trị, Quảng Bình... Tính đến nay, ở TP.Quy Nhơn có 4 điểm; còn ở TP.Huế có hơn 10 cơ sở.
Mực nước sông Hồng giảm chậm, sẽ tiếp tục xuống mức báo động 2
Chị Phạm Thị Thương, chủ khách sạn Hoàng Long (số 135 đường Lê Duẩn, TP.Đông Hà, Quảng Trị), chia sẻ trước tình hình lũ lụt nghiêm trọng, chị đau đáu muốn góp chút công sức với bà con cả nước nên quyết định mở cửa khách sạn cho bà con đi cứu trợ.
Chị Thương cho biết khách sạn của chị có 40 phòng với sức chứa 100 người. Khách sạn nằm trên trục đường Bắc - Nam, nơi các tài xế xe tải thường xuyên đi qua.
"Bà con cứ ghé là sẽ có phòng. Ngoài ra, tôi cũng có một nhà hàng sẽ cung cấp các bữa ăn miễn phí cho mọi người. Nếu đoàn nào đến muộn, tôi cũng sẽ nấu và mời một bữa cơm. Tuy nhiên, để thuận tiện, mọi người nên báo trước 30 phút để tôi chuẩn bị cho chu đáo. Nói chung tôi rất muốn chung tay, có đoàn nào ghé là tôi rất vui" , chị nói.
Bao nhiêu người cũng phục vụ
Trong khi đó ở khu vực Bắc Trung bộ, chủ nhà hàng Thanh Còi (thôn 6, xã Tân Trường, TX.Nghi Sơn, Thanh Hóa) là chị Mai Sỹ Thanh cũng chia sẻ địa điểm lên mạng xã hội với lời rao: "Mời cơm trưa hoặc tối cho các cá nhân, đoàn thể đang chở hàng cứu trợ đến đồng bào vùng lũ".
Chia sẻ với PV Thanh Niên, chị Thanh cho hay: "Vì hoàn cảnh cá nhân nên tôi không đi được đến tận nơi bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Nhưng sức tới đâu thì tôi giúp tới đó. Do nhà hàng của tôi nằm ngay trục đường giao thông chính nên tôi nghĩ rất thuận tiện cho bà con khi muốn ghé ăn uống. Chúng tôi không có kế hoạch cụ thể đón các đoàn như thế nào cả. Bất kỳ đoàn từ thiện nào ghé thì sẽ phục vụ nhiệt tâm. Nếu đoàn có vài chục người cũng sẵn sàng thôi".
Hướng về miền Bắc: Lời kêu gọi chung tay ủng hộ đồng bào sau bão số 3
Từ tỉnh Thanh Hóa, anh Lê Huy Trình, chủ quán bún bò Huế Năm Sấu (QL1, thôn Cống Trúc, H.Quảng Xương), cho biết dù quán khá nhỏ nhưng sẽ tiếp đón tất cả mọi người đi cứu trợ đến ăn miễn phí.
"Tôi nghĩ dù điều kiện mình còn khó khăn, nhìn người đi từ thiện thấy mình còn nhỏ bé quá. Cho nên tôi muốn giúp chút gì đó cho đồng bào đang khó khăn vì lũ lụt", anh Trình nói. Anh cho biết thêm quán có thể phục vụ 30 - 40 người cùng lúc và nếu có thời gian chuẩn bị thì số lượng có thể hơn. Anh nói nếu quá đông sẽ kêu gọi thêm bà con xung quanh hỗ trợ, đảm bảo phục vụ đầy đủ và miễn phí cho các đoàn cứu trợ.
Chia sẻ trong tâm trạng hồ hởi, chị Trần Thị Nhân, chủ nhà hàng Hoàng Nhân (H.Quỳnh Lưu, Nghệ An), cho biết vừa mời cơm một đoàn cứu trợ. Đồng thời, chị cũng có gửi thêm những vật phẩm cứu trợ để đoàn mang ra vùng lũ lụt tặng bà con.
Chị chia sẻ: "Mọi người nên đến đây ăn miễn phí để đỡ bớt kinh phí. Chúng tôi sẽ đãi những món cơm đơn giản như ở nhà: cá kho, thịt rang, sườn xào chua ngọt, cơm, canh, trứng rán… và đặc biệt không giới hạn số lượng".
"Bản đồ" các địa điểm ăn ở miễn phí tại khu vực phía bắc cũng có rất nhiều đơn vị góp mặt. Tính đến nay, ở tỉnh Ninh Bình có khoảng 8 điểm, Hà Nội có 3 điểm.
Ngay tại một số vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt như Bắc Cạn, Lạng Sơn, Lào Cai… cũng có nhiều điểm ăn, ở miễn phí cho các đoàn đi cứu trợ. Có thể kể đến cơ sở Ẩm thực - Homestay Đồng Quê của chị Ngọc Anh ở số 1 Tông Co, Tân An, TX.Nghĩa Lộ, Yên Bái. Do nơi đây ít bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lũ lụt nên những ngày qua các nhân viên của homestay đã đến vùng sạt lở giúp đỡ người dân. "Cơ sở cần người trông coi nên tôi phải ở lại, không có người nấu ăn nhưng tôi có thể hỗ trợ chỗ nghỉ chân cho khoảng 30 người. Đoàn cứu trợ nào nếu có đi qua hoặc lỡ đường gần chỗ tôi thì cứ đến", chị Ngọc Anh nói.
Anh Nguyễn Văn Dương, đại diện hệ thống nhà hàng khách sạn Sapa Green Forest - nhà hàng Hương rừng Hà Nội, cho biết: "Hệ thống xin hỗ trợ tất cả các đoàn cứu trợ có lộ trình đi qua Hà Nội dùng cơm miễn phí và ăn, ngủ miễn phí tại Sa Pa. Chúng tôi còn có nhà xe trung chuyển hàng hóa tại đầu Lào Cai cho các đoàn".
Bình luận (0)