Bà Tố Hương, 48 tuổi đã có 10 năm bán đồ chay trên đường Dương Bá Trạc, Q.8, TP.HCM. Mỗi ngày, 2 chị em bà Hương dọn hàng từ 5 giờ sáng, bán bún xào, chả giò chay… cho dân công sở, người lao động đến 9 giờ là hết hàng.
"Tháng này tháng bảy, tháng Vu lan, mọi người ăn nhiều hơn mình cũng bán nhiều hơn chút. Chỉ có cải ngọt là không nhiều hơn, còn tất cả mọi thứ nhiều hơn cỡ chừng 30%", chủ quán vui mừng nói.
Mỗi ngày bà Hướng bán được 9 kg bún, 5 kg mì, 150-160 cuốn chả giò. Khách ăn 2 món sẽ có giá 17.000 đồng, 3 món là 20.000 đồng, đầy đủ 4 món là 22.000 đồng. Giá phải chăng nên tấp nập người mua.
Không chỉ tại các chợ truyền thống, hệ thống siêu thị cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về doanh số thực phẩm chay. Lượng sản phẩm chay đã tăng 20-40% so với tháng trước. Các mặt hàng chay như há cảo chay, chả và bánh giò rất được ưa chuộng.
Tại hệ thống Co.opmart, Co.opXtra cũng tăng lượng hàng chay lên 40% so với tháng kinh doanh bình thường. Ghi nhận tại Co.opmart Cống Quỳnh (Q.1) những ngày này, siêu thị đưa lên quầy kệ nhiều mặt hàng chay mới như pa tê chay, viên gia vị bún riêu chay, muối ớt chay, xốt kim quất mơ rừng,… nhằm phục vụ cho thị trường dịp lễ Vu lan. Lễ hội rau củ Đà Lạt giảm giá từ 15% - 30% áp dụng từ nay đến hết ngày 4.9 cũng kích cầu mua sắm của người dân.
Sáng 29.8, trao đổi với PV Báo Thanh Niên, hệ thống siêu thị này cho biết đã tiêu thụ 30 tấn nấm các loại; doanh số thực phẩm chay tăng hơn 10% so với tháng bình thường.
Chủ các nhà hàng chay cũng phấn khởi khi lượng khách tăng từ 2-3 lần so với tháng trước đó. Ghi nhận tại một nhà hàng chay trên đường Trần Hưng Đạo, Q.1, khách không đặt bàn buộc phải ngồi chờ từ 15-20 phút. Quản lý nhà hàng cho biết tại cả 3 chi nhánh của hệ thống đều kín bàn từ trưa đến chiều tối trong những ngày vừa qua.
Ông Nguyễn Ngọc Đăng, sáng lập nhà hàng Chay Tuệ cho hay: "Nếu so với ngày thường mỗi chi nhánh tầm 100-120 khách/ngày, đến tháng Vu Lan, các chi nhánh đều tăng lên 300-400 khách/ngày, gấp 2-3 lần các tháng trước đó".
Thị trường thực phẩm chay tại Việt Nam ước tính đạt đạt gần 250 triệu USD vào năm 2027 và dự kiến tăng trưởng 10-15% mỗi năm. Báo cáo từ Nielsen - một công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Mỹ, cũng cho thấy khoảng 7% người tiêu dùng Việt Nam hiện ăn chay hoặc ăn chay một phần, và con số này sẽ tiếp tục tăng. Thực phẩm chay cũng là xu hướng khi 75% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe và môi trường.
Những thay đổi trong thói quen của người tiêu dùng tại TP.HCM cho thấy nhu cầu quan tâm đến việc ăn chay trong mùa Vu lan ngày càng tăng, từ đó thúc đẩy sự phát triển của ngành thực phẩm chay.
Bình luận (0)