Hơn 11 triệu du khách ở đâu ?
Kết thúc tháng 11.2023, ngành du lịch VN vui mừng với con số hơn 1,23 triệu lượt khách quốc tế, "lập đỉnh" đón khách ngoại kể từ đầu năm 2023. Tính chung 11 tháng, tổng lượng khách quốc tế đến VN đạt trên 11,2 triệu lượt, vượt hơn 3 triệu lượt khách so với mục tiêu đặt ra hồi đầu năm và đã suýt soát mục tiêu 12 - 13 triệu lượt khách mà Bộ VH-TT-DL mới đặt kỳ vọng. Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong 11 tháng qua với 3,2 triệu lượt (chiếm 28,5%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2, đạt 1,5 triệu lượt. Tiếp theo là thị trường Đài Loan (thứ 3) với 758.000 lượt, Mỹ (thứ 4) với 658.000 lượt, Nhật (thứ 5) đưa 527.000 lượt khách tới VN.
Số liệu từ Cục Du lịch quốc gia khiến anh Hoàng Anh (hướng dẫn viên du lịch ở Hà Nội) khá bất ngờ bởi mặc dù lượng khách đến Hà Nội đã phục hồi khá nhiều so với giai đoạn vừa sau dịch Covid-19 nhưng nhìn chung vẫn rất ít. "Tháng trước tôi dẫn một đoàn khách châu Âu đi du lịch theo kiểu tự túc, chỉ đặt lẻ một vài dịch vụ và đi tới địa phương nào sẽ tìm thuê hướng dẫn viên bản địa ở đó. Họ ở Hà Nội 2 ngày 1 đêm rồi sẽ đi Sa Pa. Đêm đó, tôi dẫn cả đoàn ra Tạ Hiện, hơn 22 giờ 30 rồi mà cả dãy hàng quán vẫn vắng hoe. Anh bạn người Đức quay sang hỏi tôi: 'Sao đọc review thấy bảo ở chỗ này đông lắm, hay người Việt đi chơi muộn hơn?'. Tôi cũng không lý giải được bởi cũng tầm này năm ngoái, tôi đưa khách đến đây thì từ 21 giờ đã đông nghẹt, nhạc sống tưng bừng rộn ràng. Năm nay vắng lạ! Khách Tây đến Hà Nội thì hết hơn 90% sẽ ra Tạ Hiện nên Tạ Hiện mà vắng thì không biết khách ở đâu", anh Hoàng Anh nói.
Ông Thái Doãn Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch Công Đoàn, cũng không khỏi ngỡ ngàng trước số liệu tốc độ tăng trưởng khách quốc tế tăng vọt. Chỉ vừa mới đây, ông Hồng đã phải nhận liên tiếp tin không vui khi nhiều đoàn khách nước ngoài hủy đặt phòng tại khách sạn Rạng Đông (thuộc Công ty Công Đoàn) ngay khu vực trung tâm Q.1, TP.HCM. Nguyên nhân do tình hình kinh tế khó khăn, khách ngoại cũng tiết giảm chi tiêu, "hủy kèo" du lịch. So với giai đoạn tháng 10 - 12 năm ngoái và những năm trước dịch, lượng khách ngoại đặt phòng tại Rạng Đông năm nay giảm 30 - 40%.
Những người bạn làm du lịch của ông Thái Doãn Hồng từ Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Hà Nội cũng báo về tình hình không mấy khả quan hơn, "ế" đều. Nếu như năm ngoái, lượng khách nội địa bùng nổ còn phần nào lấp được khoảng trống của khách quốc tế thì năm nay, kinh tế khó khăn, người dân chỉ tập trung lo cơm áo gạo tiền nên nhu cầu đi du lịch cũng sụt giảm. Bên cạnh đó, giá vé máy bay tăng mạnh khiến kế hoạch nghỉ dưỡng của nhiều gia đình hoặc teambuilding của các doanh nghiệp (DN) cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Một số đơn vị đã lên chương trình teambuilding ở Hà Nội và Phú Quốc nhưng sau đó đều phải hủy vì chi phí đội lên quá cao, giá vé máy bay chiếm tới 50 - 60% tổng giá tour. Còn nếu chuyển qua đi những điểm gần như Đà Lạt, Phan Thiết, Vũng Tàu thì đa phần khách đi nhiều rồi, không hào hứng nên quyết định tích thêm tiền đến năm sau mới thực hiện kế hoạch.
"Cứ như thế, khách sạn, nhà hàng ế nặng. Doanh thu của chúng tôi cũng tiếp tục giảm 10 - 15% so với năm ngoái. Tôi mới đi Côn Đảo về, vừa cuối năm lại vừa cuối tuần mà vẫn rất vắng. Bình thường có khi còn chẳng mua nổi vé máy bay vì hết chỗ. Tuần trước đi Phú Quốc cũng vậy, nhìn cả cái sân bay to đùng, hoành tráng, hiện đại thế mà chỉ có duy nhất chiếc máy bay của Vietjet đậu trên sân đỗ, nhìn mà xót xa. Trước đây, mỗi dịp cao điểm, Phú Quốc có khi mỗi ngày đón tới 130 - 150 chuyến bay, giờ có khi ngày chỉ được 1 - 2 chuyến quốc tế. Những điểm đến "hot" nhất mà giờ còn vắng khách thì không biết số liệu khách tăng mạnh như vậy là tăng chỗ nào?", ông Thái Doãn Hồng đặt vấn đề.
Lỗi thống kê hay do chỉ tiêu quá thấp?
Đây không phải lần đầu tiên số liệu thống kê của ngành du lịch làm nảy sinh nhiều dấu hỏi. Một chuyên gia du lịch cho biết từ rất nhiều năm trước, những người làm công tác nghiên cứu phát triển du lịch đã chỉ ra rằng chất lượng các báo cáo của ngành còn thấp, số liệu thiếu tin cậy. Chúng ta cứ gom tổng tất cả lượng khách từ nước ngoài đến VN và "ôm" về ngành du lịch, trong khi trong số hơn 11 triệu khách đó, có bao nhiêu người đến với mục đích du lịch, bao nhiêu người về thăm thân, bao nhiêu người tới chỉ làm việc 1 - 2 ngày rồi về, bao nhiêu khách ngoại giao, khách công vụ…, tất cả không được phân loại, chỉ rõ. Theo số liệu từ Bộ Công an, về mục đích nhập cảnh, trong số người nước ngoài nhập cảnh vào VN 10 tháng năm 2023, có 85% lượt nhập cảnh với mục đích du lịch, 15% là với mục đích khác như đầu tư, làm việc, thăm thân, du học… Song, thực tế con số này cũng khó chính xác vì phương pháp thống kê còn nhiều bất cập.
Chưa kể, số liệu từ các địa phương báo về cho Cục Du lịch cũng lộn xộn. Không ít tình trạng cùng một đoàn khách 200 người từ Úc đến Hà Nội, Hà Nội "ghi vào sổ" của mình rồi cũng đoàn khách đó, bay vào TP.HCM lại được TP.HCM cộng thêm vào danh sách khách nước ngoài tới TP. Cuối cùng, cả hai danh sách được báo cáo, cộng dồn về cho Cục, cho Bộ, thành ra một đoàn khách 200 người nhưng có thể được nhân lên thành 400, thậm chí 600 - 800 người nếu họ đi nhiều nơi và mỗi tỉnh lại thực hiện công tác thống kê kiểu như vậy. Cũng vì vậy mới dẫn đến tình trạng "dở khóc dở cười" như năm 2022, khi cả nước đặt mục tiêu đến hết năm đón 5 triệu khách quốc tế nhưng hết tháng 11 mới đón được khoảng 3 triệu khách, vậy mà TP.HCM đã tổng kết đón tận 5 triệu khách quốc tế.
"Số liệu lung tung như vậy nên không thể thấy vượt kế hoạch là vội mừng. Đấy là còn chưa tính đến mức chi tiêu ngày càng giảm của du khách. Tốc độ tăng trưởng của khách phải tỷ lệ thuận với tăng trưởng doanh thu của các khách sạn, nhà hàng, hệ thống dịch vụ đi kèm; phải tỷ lệ thuận với không khí náo nhiệt, sầm uất của các thành phố lớn, các thủ phủ du lịch… Khi đó mới có thể coi là du lịch đã phục hồi", vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Ở một góc nhìn khác, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN, nhìn nhận ngành du lịch về đích sớm, vượt mục tiêu đón khách quốc tế từ tháng thứ 9 nhưng thực tế quan sát cho thấy lượng khách ngoại còn ít, là vì kế hoạch của chúng ta đặt ra rất thấp. Có vượt thì cũng phải vượt gấp đôi mới tương xứng với các nước trong khu vực và tạo được sinh khí như thời điểm trước dịch. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng của khách nội địa đã suy giảm nên các dịch vụ thuộc hệ sinh thái ngành du lịch vẫn còn nhiều khó khăn.
Giai đoạn đặc biệt, cần chính sách đặc biệt
Tại sao chúng ta vẫn chưa thu hút được nhiều khách du lịch quốc tế? Về câu hỏi này, ông Vũ Thế Bình đặc biệt nhấn mạnh đến công tác xúc tiến du lịch của VN triển khai còn chậm và rất ít hiệu quả. Theo ông, việc triển khai xúc tiến ở nước ngoài để thu hút khách quốc tế vào VN quá ít, nhiều hội chợ quốc tế quan trọng hàng đầu thế giới như WTM London (Anh), JATA Tokyo (Nhật Bản) bị bỏ qua hoặc tham gia cầm chừng, chỉ có địa phương tham gia. Điều này khiến hình ảnh du lịch VN mờ nhạt so với quốc tế.
Trong khi đó, các tỉnh, thành phố tập trung quá nhiều vào tổ chức các hoạt động bề nổi ở trong nước như lễ hội, các sự kiện chính trị, văn hóa, kinh tế gắn với du lịch. Gắn với du lịch nhưng không đạt được mục tiêu bởi lễ hội sinh ra từ phong tục tập quán dân tộc, từ đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư. Chưa kể, khách du lịch rất ít quan tâm đến các lễ khai mạc hoành tráng, các cuộc biểu diễn văn nghệ của hàng ngàn diễn viên không chuyên. Họ chỉ quan tâm đến bản sắc văn hóa truyền thống. Nếu như những kinh phí đó chuyển sang cho hoạt động xúc tiến du lịch quốc tế sẽ phát huy hiệu quả hơn nhiều lần. Rồi nhân lực của thị trường hiện thiếu trầm trọng, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ. Hiện nay ngành du lịch mới chỉ thu hút được khoảng 60% lao động, nhiều lao động có nghiệp vụ cao đã chuyển sang ngành khác. Nhiều DN du lịch, đặc biệt là các cơ sở lưu trú phải sử dụng cả lao động chưa qua đào tạo để phục vụ khách. Chưa kể, việc đầu tư nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch mới còn quá ít.
"Mấu chốt vấn đề vẫn là nguồn lực. Các DN của chúng ta chủ yếu là DN vừa và nhỏ, nguồn lực quá yếu, cần phải được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ phía nhà nước để có thể cùng cơ quan chức năng cơ cấu lại thị trường quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến du lịch. Chính phủ cần đổi mới hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch để đẩy mạnh những hoạt động trên", Chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN đề xuất.
Đồng tình, ông Thái Doãn Hồng cũng cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng thị trường khách quốc tế phục hồi chậm là do tình hình kinh tế khó khăn. Khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu thì du lịch sẽ là ngành bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất. Những thị trường nguồn lớn của VN như Trung Quốc, Nga cũng khó khăn nên không khuyến khích người dân đi du lịch nước ngoài. Chúng ta mong có thị trường thay thế nhưng rất khó. Trong bối cảnh đó, các nước, vùng lãnh thổ như Thái Lan hay Đài Loan đều triển khai các chương trình kích cầu đúng và trúng. Chính quyền sẽ bỏ ngân sách, thậm chí hoàn tiền mặt cho du khách, chỉ cần tới để chi tiêu, mua sắm. Đơn cử như Đài Loan, nếu một đoàn khách đến vùng lãnh thổ này và ở lại 4 đêm thì mỗi đêm, khách sạn sẽ giảm cho 1 khách 200 TWD. Kết thúc chuyến đi, mỗi hành khách được hoàn lại 800 TWD. Tiền này do chính quyền hỗ trợ kích cầu, không phải do khách sạn bỏ ra.
"Các chương trình xúc tiến, kích cầu ở VN chủ yếu là nhà nước vận động DN giảm giá nhưng DN giờ đã sức cùng lực kiệt toàn lỗ thì lấy đâu ra mà giảm nữa. Ai cũng hiểu vé máy bay giá cao thì du lịch khổ nhưng cũng đâu thể bắt hàng không khơi khơi hạ giá trong khi chi phí đầu vào của họ bị tăng cao chót vót, càng bay càng lỗ. Trong những giai đoạn đặc biệt thế này, cần chính sách điều tiết đặc biệt. Chính phủ có thể cân đối bằng cách giảm thuế, phí cho ngành du lịch, đặc biệt là ngành hàng không để hỗ trợ họ không phải tăng giá, có được mức giá phù hợp, ổn định. Từ đó, có dư địa để thực hiện thêm nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu, xúc tiến, kéo khách quốc tế đến VN", ông Thái Doãn Hồng nêu ý kiến.
Đà Nẵng nằm trong top các điểm đến hấp dẫn nhất châu Á
Tạp chí du lịch quốc tế Condé Nast Traveler vừa gợi ý 11 điểm đến hấp dẫn nhất ở châu Á không thể bỏ qua vào năm tới. Trong đó, Đà Nẵng đứng ở vị trí thứ 2. Đà Nẵng được Condé Nast Traveler đánh giá là điểm đến hấp dẫn với những bãi biển tuyệt đẹp, các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp, tổ hợp vui chơi giải trí sôi động, khu bảo tồn thiên nhiên sinh thái độc đáo, ẩm thực đặc sắc và lễ hội pháo hoa quốc tế thường niên.
Là thành phố biển hiện đại nằm giữa nhiều địa danh được UNESCO công nhận, Đà Nẵng là một trong những thành phố du lịch phục hồi và phát triển mạnh mẽ nhất ở châu Á sau đại dịch Covid-19, một phần nhờ việc nối lại các đường bay quốc tế, tăng tần suất các chuyến bay từ nước ngoài đến thành phố và tổ chức các chương trình khuyến mãi kích cầu du lịch.
Có những hành động nhỏ nhưng lại ảnh hưởng rất lớn tới ngành du lịch mà chúng ta cần chú ý. Đơn cử như việc kiểm soát nồng độ cồn. Lực lượng công an, cảnh sát tuần tra cả ngày lẫn đêm, ra quân đi khắp mọi ngóc ngách, yêu cầu không chỉ một mà hàng loạt người dừng lại giữa đường để kiểm tra nồng độ cồn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh du lịch VN. Nhiều du khách nước ngoài không biết đó chỉ là kiểm tra mà lại tưởng chúng ta có vấn đề gì. Chủ trương là đúng nhưng cần cách làm hợp lý hơn, hài hòa lợi ích nhiều bên.
Ông Thái Doãn Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch Công Đoàn
Khai trương đường bay thẳng giữa TP.HCM và Thượng Hải
Hãng hàng không Vietjet vừa khai trương đường bay mới kết nối TP.HCM với Thượng Hải với 7 chuyến khứ hồi mỗi tuần. Chỉ với hơn 4 giờ bay, hành khách có thể dễ dàng đến với Thượng Hải, thành phố đông dân nhất Trung Quốc và cũng là trung tâm kinh tế, tài chính hàng đầu. Trong khi đó, TP.HCM với dân số gần 9 triệu người, là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch nổi bật của VN với nhịp sống tấp nập hiện đại. Vietjet cũng đã đưa biểu tượng du lịch TP.HCM lên thân tàu bay với thông điệp quảng bá về một TP.HCM thân thiện, hiếu khách. Đường bay thẳng kỳ vọng mở ra cơ hội mới về du lịch, kinh tế giữa 2 thành phố lớn nhất VN và Trung Quốc.
Bình luận (0)