Muốn đi du lịch nhưng không muốn tiêu tiền
Xiaotiantian, blogger du lịch người Trung Quốc, đến thăm Trùng Khánh ở tỉnh Tứ Xuyên với một sứ mệnh: ăn và ăn thật nhanh.
Trong một video ngắn đăng trên mạng, cô chia sẻ hành trình: 9 giờ sáng đáp xuống sân bay, bắt taxi thẳng đến khu ẩm thực đường phố Guanyin và "ăn mọi thứ trong 24 giờ". Cô bắt đầu ngày mới với ly trà sữa nổi tiếng trước khi chuyển sang các món như ramen tôm cay, xiên que trong lẩu cay, bánh bao ngọt lạnh tự làm - tổng cộng 21 món khác nhau - trước khi kết thúc một ngày tại Hongyadong - địa điểm du lịch nổi tiếng khác.
Video đã được xem hơn 110.000 lần kể từ khi được đăng vào tháng 5, chỉ là một ví dụ về "phong cách du lịch đặc biệt", trong đó những người trẻ tuổi với ngân sách hạn hẹp tranh thủ ăn, tận hưởng niềm vui và tham quan càng nhiều càng tốt trong các chuyến đi ngắn nhất là 24 hoặc 48 giờ.
Thuật ngữ "phong cách du lịch đặc biệt" đang thu hút các thế hệ trẻ không có nhiều tiền để chi tiêu hoặc thời gian để nghỉ việc. Tìm kiếm các cụm từ liên quan trên nền tảng Weibo của Trung Quốc, chẳng hạn như "24 giờ ở Thành Đô", "48 giờ ở Sán Đầu"... mang lại hàng ngàn lượt kết quả khi những người trẻ tuổi tìm cách tận dụng tối đa những chuyến đi chớp nhoáng như vậy.
Theo Xiyu, 30 tuổi, cựu nhân viên của một công ty giải trí, sự gia tăng du lịch siêu ngắn được thúc đẩy bởi sự cần thiết hơn là sở thích.
"Hiện tượng này cho thấy giới trẻ ngày nay không có tiền. Họ muốn đi du lịch nhưng lại không muốn tiêu tiền, vì vậy họ đi du lịch kiểu đặc biệt", anh nói với Nikkei Asia.
Kinh tế yếu cản trở phục hồi du lịch
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đạt mức kỷ lục 21,3% trong quý 2, nghĩa là cứ 5 người trong độ tuổi từ 16 đến 24 thì có 1 người thất nghiệp. Chính phủ Trung Quốc vừa cho biết tổng sản phẩm quốc nội tăng 6,3% trong quý này so với năm ngoái, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của các nhà phân tích và mức tăng trưởng chậm lại theo quý.
Tuần nghỉ lễ đầu tháng 5 cũng chứng kiến sự gia tăng về số lượng chuyến đi so với năm 2019, nhưng chi tiêu bình quân đầu người chỉ là 75,4 USD, giảm 10,5% so với mức trước đại dịch.
Yating Xu, chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho biết: "Du lịch nội địa của Trung Quốc đã phục hồi về mức trước đại dịch trong nửa đầu năm, trong khi từ góc độ sẵn sàng tiêu dùng, vẫn còn cơ hội phục hồi. Sự phục hồi nhanh hơn ở số lượng du khách so với chi tiêu phản ánh sự suy giảm tiêu dùng điển hình".
Xu nhận định, triển vọng kinh tế yếu kém và triển vọng thu nhập ảm đạm là những rào cản chính đối với sự phục hồi hơn nữa của ngành du lịch.
"Nếu nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục ở mức vừa phải sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng thu nhập vốn đang có xu hướng suy thoái và tác động tiêu cực đến tiêu dùng cá nhân. Từ góc độ cấu trúc, một nền kinh tế chậm lại sẽ tác động đáng kể đến tầng lớp thu nhập trung bình, những người đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực du lịch".
Tin xấu với các nước láng giềng
Theo Trip.com Group, mùa hè năm nay, nền tảng đặt phòng trực tuyến hàng đầu đất nước tỉ dân đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ lượt tìm kiếm các khu nghỉ dưỡng gần nhà. Đặt chỗ cho kỳ nghỉ Lễ hội Thuyền rồng (giữa tháng 6) đã tăng 191% so với cùng kỳ năm ngoái.
Du khách Trung Quốc có xu hướng du lịch gần nhà hơn cũng là một tin xấu cho các nước láng giềng. Theo Yating Xu, du lịch nước ngoài của Trung Quốc chỉ bằng chưa đến 50% so với trước đại dịch.
Một dấu hiệu nữa cho thấy sự bi quan của người tiêu dùng, doanh số bán lẻ chỉ tăng 3,1% trong tháng trước so với cùng kỳ năm 2022, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 12,7% trong tháng 5, theo dữ liệu chính thức.
Số liệu thống kê còn cho thấy, du khách Trung Quốc không chi tiêu như trước đây. Kỷ lục 106 triệu chuyến đi đã được thực hiện trong kỳ nghỉ Lễ hội Thuyền rồng, nhưng doanh thu trong khoảng thời gian này đạt khoảng 5,2 tỉ USD, thấp hơn so với năm 2019.
Chuỗi khách sạn bình dân RedDoorz đã rất phấn khích về sự trở lại của khách du lịch Trung Quốc khi nước này nới lỏng các hạn chế đi lại liên quan đến Covid-19 vào đầu năm nay. Tuy nhiên, Saberwal, người điều hành RedDoorz ở Bali, Indonesia, nói với Nikkei Asia hôm thứ hai rằng hy vọng của anh ấy đối với du khách Trung Quốc đã không thành. "Chắc chắn rồi. Họ đã không trở lại Đông Nam Á", ông nói. RedDoorz có kế hoạch tiếp tục tập trung vào khách du lịch nội địa (Indonesia) để tránh những rủi ro như đại dịch trong tương lai.
Bình luận (0)