Khai ấn đền Trần không phải là lễ hội của quan chức

10/01/2020 19:11 GMT+7

Đó là khẳng định của bà Phạm Thị Oanh, Phó chủ tịch UBND TP.Nam Định (tỉnh Nam Định), tại buổi họp báo về việc tổ chức Lễ hội khai ấn đền Trần năm 2020.

Theo đó, Lễ hội khai ấn đền Trần năm 2020 sẽ diễn ra từ 4 - 9.2 (tức 11 - 16 tháng Giêng âm lịch). Trong đó, lễ khai ấn diễn ra vào đêm 14, rạng sáng 15 tháng Giêng là tục lệ cổ có ý nghĩa nhân văn to lớn.
Tại lễ hội năm nay, UBND TP.Nam Định đã thành lập ban tổ chức lễ hội do bà Phạm Thị Oanh, Phó chủ tịch UBND TP.Nam Định, là trưởng ban. Ban tổ chức đã thành lập 4 tiểu ban để triển khai tổ chức lễ hội.
Tại họp báo, bà Phạm Thị Oanh cho biết: “Những năm gần đây, lễ hội khai ấn đền Trần đã được tổ chức rất tốt. Lễ khai ấn luôn diễn ra trang nghiêm, trật tự, không còn cảnh chen lấn xô đẩy. Tại lễ hội không còn ăn xin, hàng rong chèo kéo du khách, không còn các trò chơi cờ bạc trá hình, công tác an ninh, vệ sinh thực phẩm được đảm bảo”.
Về tình trạng “ấn giả” xuất hiện trước lễ khai ấn ở mùa lễ hội năm 2019, bà Phạm Thị Oanh cho biết, đó có thể là ấn, sớ ở đền Bảo Lộc được du khách mua về đền Trần thắp hương. “Tại đền Trần thì không có ấn được bán bên ngoài. Chúng tôi có đoàn liên ngành kiểm soát chặt chẽ vấn đề này”, bà Oanh khẳng định.
Tại buổi họp báo, phóng viên Thanh Niên có đề cập về việc ngăn chặn hành vi ném tiền vào kiệu rước tại lễ khai ấn thì bà Oanh cho biết: “Tỉnh Nam Định và TP.Nam Định đã quán triệt đến cán bộ, công, viên chức về việc ứng xử văn hóa khi tham dự  lễ hội khai ấn đền Trần. Thông qua hệ thống camera, nếu chúng tôi phát hiện cán bộ, công, viên chức nào có hành vi phản cảm, sẽ gửi thông tin về đơn vị chủ quản để đánh giá xếp loại cuối năm. Tuy nhiên, đại biểu, khách mời tham dự lễ khai ấn còn rất nhiều người đến từ các tỉnh, dòng họ và người dân trong vùng, nên rất khó kiểm soát. Hy vọng mọi người có ý thức tự giác”.
Trước một số ý kiến lo ngại đêm khai ấn, đền Thiên Trường (nơi diễn ra lễ khai ấn) sẽ đóng cửa, chỉ có rất ít đại biểu được vào sân đình, khiến lễ khai ấn mất đi tính cộng đồng, bà Oanh khẳng định: “Lễ hội khai ấn đền Trần không phải là lễ hội của quan chức. Để đảm bảo sự tôn nghiêm của lễ khai ấn, việc đóng cửa đền được thực hiện theo đúng phong tục. Đại biểu vào sân đình không chỉ có cán bộ, quan chức mà có rất nhiều người dân trong vùng, đại diện các dòng họ. Các nghi lễ cũng được thực hiện bởi các vị cao niên, nhân dân phường Lộc Vượng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.