Đó là quan điểm của đại tá Lương Tiến Dũng, Phó cục trưởng Cục Cửa khẩu, Bộ tư lệnh Bội đội biên phòng, khi trao đổi với Thanh Niên chiều qua, 11.3, trong bối cảnh liên tiếp phát hiện trường hợp “né” khai báo y tế, khai báo y tế gian dối để trốn cách ly tập trung diễn ra trong thời gian vừa qua.
Đại tá Lương Tiến Dũng, Phó cục trưởng Cục Cửa khẩu, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, cho biết đối với tuyến cửa khẩu đường bộ, trong thời gian qua, lực lượng biên phòng phối hợp với lực lượng công an, dân quân lập các điểm chốt, khoá chặt biên giới đường bộ; thậm chí sử dụng cả đội chó nghiệp vụ để phát hiện, ngăn chặn nhập cảnh trái phép.
Để ngăn ngừa dịch Covid-19 lây nhiễm vào Việt Nam, lực lượng kiểm soát ở các cửa khẩu kiên quyết không làm thủ tục nhập cảnh đối với người nước ngoài đến từ hoặc đi qua vùng dịch mà chưa đủ thời gian cách ly 14 ngày. Bên cạnh đó, người nước ngoài nếu nhập cảnh vào Việt Nam có biểu hiện ốm, sốt đều được vận động quay trở lại.
Theo tá Lương Tiến Dũng, dù chưa phát hiện các trường hợp khai báo y tế không trung thực để “né” cách ly nhưng quy trình kiểm soát người nhập cảnh được thực hiện một cách nghiêm ngặt, gắt gao nhất. Người nhập cảnh bắt buộc phải khai báo y tế, cán bộ kiểm soát tại cửa khẩu trực tiếp kiểm tra, rà soát toàn bộ lịch trình di chuyển trước khi nhập cảnh và tuyến cuối cùng là phối hợp với cán bộ kiểm dịch quốc tế đo thân nhiệt.
Đại tá Lương Tiến Dũng cho rằng, kiểm soát ở cửa khẩu hàng không khó khăn, phức tạp hơn nhiều so với đường bộ. Dẫn chứng là công dân ở các nước châu Âu đều có quy chế đi lại tự do, một người có thể đi từ Anh, Ý hay sang Tây Ban Nha thì không cần đóng dấu kiểm chứng và điều này rất khó để phát hiện, nếu chỉ bằng cách kiểm tra giấy tờ, thế nên việc khai báo y tế hoàn toàn trông đợi với ý thức trách nhiệm, trung thực của người nhập cảnh.
Cũng theo đại tá Lương Tiến Dũng, việc người nhập cảnh cố tình khai báo y tế với những sai lệch, không chính xác về lịch sử di chuyển trước đó để “né” cách ly tập trung là hành vi rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của người khác khi để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Điều này khiến cơ quan chức năng không xác định chính xác đối tượng khởi phát dịch bệnh để cách ly, ngăn chặn một cách triệt để.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, gần Việt Nam nhất như Hàn Quốc, hành vi khai báo y tế không trung thực bị phạt tiền ở mức rất cao, còn các quốc gia châu Âu, ngoài tiền phạt cũng áp dụng biện pháp xử lý hình sự.
Đại tá Lương Tiến Dũng cho rằng, nếu so sánh với việc đăng tin sai, không chính xác về dịch bệnh trên mạng xã hội thời gian qua đều bị xử phạt nghiêm khắc, tiền phạt lên tới cả chục triệu đồng. Nhưng hành vi đó chỉ gây hoang mang trong cộng đồng còn nếu cố tình khai báo y tế gian dối, không trung thực mà bản thân người đó lại mang mầm bệnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của nhiều người khác, mức độ nguy hiểm lớn hơn nhiều.
Chúng ta đã thấy rõ nguy cơ lây lan dịch Covid-19 trong trường hợp bệnh nhân số 17 nhiễm Covid-19 tại Việt Nam là N.H.N, (trú tại phố Trúc Bạch, quận Ba Đình) trên chuyến bay VN0054 của Vietnam Airlines vừa qua.
"Cơ quan chức năng cần thiết phải đưa ra xử lý nghiêm khắc đối những trường hợp vi phạm về khai báo thông tin y tế, đồng thời ràng buộc trách nhiệm nếu để phát sinh dịch bệnh lây lan để có tác dụng răn đe, người nhập cảnh không dám vi phạm”, đại tá Dũng nói.
Cũng theo thống kê của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, đến ngày 6.3, lực lượng biên phòng các cửa khẩu phát hiện 84 người thân nhiệt cao; đưa vào khu cách ly 1.522 người và tiếp nhận, đưa đi cách ly 877 công dân Việt Nam do phía Trung Quốc trao trả về nước.
Bình luận (0)