Để kiểm soát dịch bệnh, TP.HCM không lập chốt kiểm dịch như hồi tháng 4.2020 mà yêu cầu người dân khai báo y tế trung thực và thực hiện khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế.
Yêu cầu khai báo không có gì to tát, khó khăn với người dân, mà trái lại rất dễ thực hiện với một chiếc điện thoại thông minh trên tay. Thực tế, hầu hết cơ quan, đơn vị nhà nước, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện đều đã yêu cầu nhân viên khai báo y tế, nên đôi khi khai báo y tế giống như “giấy thông hành” giúp công việc nhanh hơn, nhất là khi vào bệnh viện khám chữa bệnh chỉ cần đưa mã QR code thay vì xếp hàng khai báo tại chỗ...
Tại TP.HCM, chính quyền không chỉ yêu cầu khai báo cho có mà nhấn mạnh rằng phải khai báo trung thực, để khi chẳng may có ổ dịch trong cộng đồng thì ngành y tế còn có căn cứ truy vết kịp thời, khoanh vùng dập dịch. “Một lời khai sai sẽ gây rất nhiều khó khăn cho công tác truy vết”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp khai báo y tế gian dối hoặc không chấp hành, né tránh.
Làn sóng thứ 3 của dịch bệnh Covid-19 vẫn phức tạp và khó lường với biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2. Ngành y tế vẫn đang dồn sức dập dịch và trong nỗ lực chung đó rất cần sự đồng hành của người dân bằng những hành động đơn giản. Đừng tưởng rằng khai báo gian dối để tránh bị cách ly hoặc lấy mẫu xét nghiệm tầm soát thì sẽ không ai biết. Việc làm ích kỷ đó không chỉ gây tổn hại cho cộng đồng, mà ngay chính bản thân người vi phạm cũng phải nhận sự trừng trị của pháp luật.
“ Chống dịch như chống giặc”, khai báo y tế là mệnh lệnh chứ không phải chỉ nói cho vui.
Bình luận (0)