Khai bút đầu năm nghĩa là gì, dùng máy tính rồi có cần khai bút?

01/02/2022 07:05 GMT+7

Chúng ta hay nghe thấy nói đầu xuân năm mới khai bút, vậy khai bút là gì? Thời đại công nghệ thông tin , ai ai cũng dùng máy tính, vậy có cần khai bút không và viết gì trong nghi thức này?

Cô Phan Thị Mỹ Huệ khai bút đầu năm

NVCC

Nét đẹp tâm hồn Việt

Cô Phan Thị Mỹ Huệ, giáo viên ngữ văn Trường tư thục Nguyễn Khuyến, TP.HCM, cho biết khai bút đầu năm là nét đẹp tâm hồn Việt. Theo cô Huệ, mùa xuân là lúc chúng ta tìm lại những gì đẹp đẽ nhất của cuộc sống, đó là hy vọng, ước mơ và một niềm tin trong sáng, thiện lành.

"Cứ mỗi mùa xuân về, chúng ta lại có dịp lắng nghe tiếng nói thầm kín tự trong sâu thẳm tâm hồn mình. Mùa xuân là dịp để mỗi người tìm về những giá trị văn hóa cốt lõi của một dân tộc. Bên cạnh những nghi thức thể hiện lòng hiếu hạnh đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên thì những hoạt động gắn với truyền thống tôn sư trọng đạo hay tinh thần hiếu học cũng rất phổ biến trong ngày tết. Điều này được thể hiện qua việc khai bút đầu năm”, cô Mỹ Huệ nói.

Cô Phan Thị Mỹ Huệ chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên một bài thơ do cô sáng tác:

“Mai vàng khoe sắc đón xuân sang

Nắng mong manh gọi gió nhẹ nhàng

Hồn trong, tâm sáng ta khai bút

Cầu chúc muôn nhà được bình an"

Cô Huệ dẫn lại nhiều tài liệu ghi chép cho biết tục khai bút đầu năm xuất hiện đầu tiên vào khoảng thế kỷ XIII, gắn liền với người thầy mẫu mực Chu Văn An. Từ đó đến nay, khai bút đầu năm đã trở thành truyền thống, trở thành một nét đẹp văn hóa sâu thẳm trong tâm hồn người Việt. Hình ảnh ông đồ an nhiên tự tại viết những câu chúc, lời răn của người xưa để lại cho con cháu đã in đậm trong tâm thức của người Việt.

Ông đồ trẻ cho chữ ở đường mai trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

HOA NỮ

“Khai bút đầu năm gắn liền với nghệ thuật thư pháp, một bộ môn nghệ thuật vô cùng tinh túy. Mỗi nét chữ là kết tinh tài năng, đạo hạnh, khát khao và tấm lòng của người viết. Khai bút đầu năm chính vì vậy đã trở thành một phong tục hết sức thiêng liêng", cô Mỹ Huệ chia sẻ.

Cô giáo ngữ văn nói thêm: "Người ta tin rằng khai bút sẽ khai mở những điều may mắn cho một năm mới. Nhưng trên tất cả, đó chính là giữ lại những nét đẹp của tâm hồn mình khi nâng niu và viết những con chữ vừa uyển chuyển, mềm mại, vừa phóng khoáng, bay bổng để sau đó tâm được an, thân được nhẹ nhàng”.

Còn thạc sĩ văn hóa học Nguyễn Thị Hồng Yến, Phó trưởng khoa Đông phương học, Trường ĐH Văn Hiến (TP.HCM), cho biết ngày tết cổ truyền của người Việt có nhiều phong tục nghi lễ truyền thống được gìn giữ và lưu truyền đến tận ngày nay. Khai bút đầu xuân không phải là nghi lễ bắt buộc, nhưng là một nét đẹp văn hóa của người Việt.

Lễ khai bút thường được thực hiện sau giao thừa, chính là thời khắc đầu tiên của năm mới

“Tương truyền, từ thế kỷ XIII, thầy Chu Văn An thường tự tay viết tặng chữ mang ý nghĩa nhắn gửi về lẽ sống cho học trò đến thăm thầy. Người nhận được chữ cảm thấy hết sức may mắn và trân trọng. Từ đó về sau, tục khai bút được lưu truyền, biểu trưng cho sự hiếu học, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, sự thành kính của học trò đối với người thầy”, thạc sĩ Hồng Yến chia sẻ.

Thạc sĩ Hồng Yến cho biết thêm, lễ khai bút của người xưa được thực hiện sau giao thừa, chính là thời khắc đầu tiên của năm mới. Mọi người thường đốt lư trầm bên bàn viết, mài mực tàu và hạ bài viết trên giấy hoa tiên hoặc giấy hồng điều. Trong không gian tĩnh tại, người viết thành tâm viết lên những câu chữ và gửi gắm vào đó ước nguyện tốt đẹp trong năm mới.

Thời đại công nghệ, tục khai bút đầu năm có còn?

Cô giáo Phan Thị Mỹ Huệ thừa nhận ngày nay, cùng với sự phát triển của công nghệ, người ta dần quên những giá trị văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, cô khẳng định, trong tâm thức của nhiều người, hình ảnh của “những người muôn năm cũ” vẫn hiện diện. Chính vì vậy, những nét văn hóa xưa vẫn được lưu giữ từ bao trái tim, bao tấm lòng đẹp.

Ai cũng có thể khai bút đầu năm bằng việc viết những lời chúc đơn giản, ý nghĩa dành tặng bản thân, gia đình

BẢO VY

Có thể thấy điều này từ việc rất nhiều người trẻ Việt Nam hiện đại hôm nay tìm đến thư pháp, viết thư pháp rất bay bổng. Những hội chợ xuân, những đường mai ở Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM luôn tấp nập bóng dáng những ông đồ, bà đồ rất trẻ cho chữ. Đó là điều rất đáng trân trọng, cần phát huy, hôm nay và ngày sau.

Theo thạc sĩ Hồng Yến, truyền thống “minh niên khai bút” của người Việt gắn với những hy vọng sẽ gặp những điều tốt lành trong năm mới. Nếu như ngày xưa nhiều ông đồ thường chọn những câu tục ngữ, danh ngôn, câu đối mang dư vị tết sẽ mang đầy ý nghĩa trong ngày đầu xuân… thì thời nay, khai bút đầu xuân được mở rộng hơn.

"Ai cũng có thể khai bút đầu năm bằng việc làm một vài câu thơ ngẫu hứng hoặc viết những lời chúc đơn giản, ý nghĩa dành tặng bản thân, tặng cho gia đình, người thân, với những niềm hy vọng tươi đẹp nhất trong năm mới", thạc sĩ Hồng Yến chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.