Ý nghĩa tục khai bút đầu năm
Nói không với bài tập tết trước đây chỉ diễn ra ở cấp giáo viên nhưng dần dần mở rộng đến cấp lãnh đạo trường và trong vài năm gần đây là ngành giáo dục cấp tỉnh, thành. Sự học thay đổi, thời đại đổi mới thì “nói không với bài tập tết” là lẽ đương nhiên.
Một trong những nét mới là chuyện học sinh khai bút đầu năm. Trước đây, khai bút đầu năm của học sinh khá phổ biến ở một số gia đình tạm gọi là "gia giáo" tại thành phố lớn hay những vùng “đất học”.
Ngày còn là học sinh, sinh viên, tôi cũng được nghe các bạn của mình kể về truyền thống khai bút trong gia đình. Cụ thể, sau giao thừa, người học ngồi vào bàn, mở sách vở, có thể chỉ đọc vài trang, viết điều gì đó hay làm vài bài tập.
Ý nghĩa của khai bút đầu năm là mong học hành chăm chỉ hơn, kết quả học tập tốt hơn.
Những lý do khiến tục khai bút đầu năm phai mờ
Còn giờ đây, tục khai bút đầu năm đã vơi đi vì nhiều lý do.
Thứ nhất, tết là nghỉ tết, học sinh không phải đụng tới sách vở - nói không với bài tập tết, kể cả bài tập kiểu “khai bút đầu xuân” theo phong trào.
Thứ hai, học sinh không đụng vào sách vở một cách gò bó theo quan niệm xưa rằng "ngày đầu năm ham học thì cả năm sẽ… ham học". Vì thế, sẽ không còn chuyện học sinh dù không thích nhưng vẫn phải ngồi vào bàn học để thực hiện… mong ước của cha mẹ.
Thứ ba, một thế hệ học sinh ngày xưa nay đã trở thành phụ huynh. Thời đại thay đổi, họ có thể nhìn lại và nhận thấy khai bút đầu năm là không cần thiết và dạy thế hệ trẻ những điều thực tế hơn.
Thứ tư, học sinh thời nay tiếp nhận nhiều sự mới mẻ trong thời đại 4.0 nên việc khai bút đầu năm có thể trở thành... một thời đã xa.
Nhiều năm nay, tôi hiếm khi nghe chuyện học sinh khai bút đầu năm. Hôm nay là 30 tết, ngày đặc biệt mà người người, nhà nhà mong chờ để khép lại năm cũ.
Đây cũng là ngày đặc biệt của bữa cơm gia đình sum vầy khi đón giao thừa. Học sinh cũng tự thưởng cho mình những giây phút thực sự vui vẻ, ý nghĩa hơn là ngồi vào bàn học khai bút đầu năm.
Bình luận (0)