Trong khi dư luận bức xúc, yêu cầu xử lý nghiêm những trường hợp hoang tin về dịch bệnh nCoV khiến người dân lo lắng, có một thái cực khác cũng cần biện pháp xử nghiêm: cố tình khai gian để giấu nguồn nguy cơ lây nhiễm nhằm “né” bị cách ly trong mùa dịch.
Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có nguy cơ lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh, gồm: bại liệt; cúm A-H5N1; dịch hạch; đậu mùa; sốt xuất huyết do vi rút Ê-bô-la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); sốt Tây sông Nin (Nile); sốt vàng; tả; viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh.
(Theo luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm) |
Không khai báo, từ chối yêu cầu cách ly
Ngày 1.2, Đội an ninh Công an Q.Thanh Khê (Đà Nẵng) xác minh, xử lý 4 người Trung Quốc và chủ cơ sở lưu trú về việc không khai báo tạm trú đối với nhóm người Trung Quốc này. Hay tại TP.Phan Thiết (Bình Thuận), công an cũng phát hiện 4 người Trung Quốc đến ở nhà ông L.A.T, nhưng không trình báo với cơ quan chức năng.Qua kiểm tra, cả 4 người đều làm việc cho các công ty giày, may mặc thuộc Khu công nghiệp Hàm Kiệm 2 (H.Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), vừa nhập cảnh VN ngày 4.2 qua cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Khi tới Khu công nghiệp Hàm Kiệm 2 không tìm được chỗ ở, những người này đến nhà ông L.T.A thuê ở. Hiện cả 4 người đã ra khỏi nhà dân, đến ở một khách sạn trên đường Thủ Khoa Huân, TP.Phan Thiết và được Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Bình Thuận giám sát nghiêm ngặt.
Không chỉ khai gian hay không khai báo, đến nay cũng ghi nhận trường hợp không tuân thủ yêu cầu cách ly của cơ quan y tế. Cụ thể, một phụ nữ quê ở tỉnh Trà Vinh lấy chồng người Trung Quốc và sinh sống tại nước bạn. Ngày 27.1 (mùng 3 tết), gia đình người này đưa con gái 2 tuổi về Trà Vinh ăn tết. Đến ngày 3.2, cháu bé có biểu hiện ho, sốt nên gia đình đưa đi khám. Tối 3.2, lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh cùng đoàn liên ngành của tỉnh tới tận nhà động viên gia đình đưa cháu bé đến bệnh viện cách ly, nhưng gia đình không đồng ý… Ngành y tế đã tiến hành các biện pháp giám sát, lấy mẫu gửi xét nghiệm, may mắn là kết quả cháu bé âm tính với vi rút nCoV.
Có thể bị phạt tới 10 triệu đồng
Theo các chuyên gia, việc cố tình khai gian để “né” bị cách ly hay không tuân thủ yêu cầu cách ly của cơ quan y tế, nếu người phải cách ly bị nhiễm bệnh sẽ dẫn đến nguy cơ phát tán nguồn lây nhiễm, khiến dịch bệnh thêm trầm trọng. Vì vậy, trong bối cảnh VN đã công bố dịch nCoV, người dân cần tự giác khai báo với chính quyền địa phương, cơ quan y tế nếu có yếu tố liên quan tới dịch tễ (như trở về hoặc tiếp xúc với người về từ vùng có dịch; có dấu hiệu, triệu chứng của loại dịch bệnh cần cách ly…), chủ động và tuân thủ yêu cầu cách ly của cơ quan y tế.
Theo luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn luật sư TP.HCM, việc che giấu hiện trạng hoặc không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm, mà cụ thể hiện nay là liên quan bệnh dịch nCoV, đều có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. “Dựa vào luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì vi rút Corona thuộc nhóm A các bệnh truyền nhiễm. Qua đó, điều 9 Nghị định 176/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, quy định mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với một trong các hành vi: không khai báo hoặc khai báo không trung thực, kịp thời diễn biến bệnh truyền nhiễm của bản thân với thầy thuốc, nhân viên y tế được giao nhiệm vụ; không tuân thủ chỉ định, hướng dẫn phòng, chống lây nhiễm bệnh truyền nhiễm của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; không đăng ký theo dõi sức khỏe với trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sau khi ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế; không thông báo UBND và cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về các trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật”, luật sư Hoan viện dẫn quy định.
Ngoài ra, theo luật sư Lê Văn Hoan, điều 6 Nghị định 176/2013 cũng quy định cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Đồng thời, phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng đối hành vi: che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Với trường hợp từ chối yêu cầu cách ly của cơ quan y tế, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia VN, cho biết trong trường hợp cấp thiết, chính quyền địa phương và cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế cách ly y tế đối với những trường hợp buộc phải cách ly theo luật quy định. “Đồng thời, người từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có thể bị phạt hành chính từ 2 - 5 triệu đồng; đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì mức hình phạt sẽ là 5 - 10 triệu đồng”, luật sư Hậu phân tích.
Bình luận (0)