Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình, cùng nhiều vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam tới dự.
Đảng bộ Khối các cơ quan T.Ư có vai trò, vị trí quan trọng, bao gồm các tổ chức Đảng trong các cơ quan tham mưu chiến lược, quản lý ở tầm vĩ mô của Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; các viện nghiên cứu khoa học nền tảng của đất nước; các cơ quan báo chí, xuất bản; các cơ sở đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt. Đại hội sẽ gồm 4 nội dung: thảo luận đánh giá kết quả công tác của Đảng bộ khối nhiệm kỳ 2015 - 2020, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ 2020 - 2025; thảo luận đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khối nhiệm kỳ 2020 - 2025; bầu đoàn đại biểu của Đảng bộ khối đi dự Đại hội XIII của Đảng. Theo chương trình, đại hội sẽ bế mạc vào hôm nay (29.10).
Cùng ngày cũng đã diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ các tỉnh Quảng Bình, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Cà Mau.
Quảng Bình
Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân dự và chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Vì để tập trung phòng chống bão, cũng như khắc phục hậu quả mưa lũ nên đại hội rút ngắn thời gian xuống còn 1 ngày. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới với 49 thành viên. Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 15 người; ông Vũ Đại Thắng tái cử chức Bí thư Tỉnh ủy; hai ông Trần Thắng (Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy khóa XVI) và Trần Hải Châu (Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy khóa XVI) được bầu làm Phó bí thư Tỉnh ủy khóa XVII; ông Đinh Hữu Thành (Bí thư Huyện ủy Bố Trạch) được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
Thanh Hóa
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX công bố kết quả bầu Ban Thường vụ, Ủy ban Kiểm tra và các chức danh Bí thư, Phó bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025; thông qua nghị quyết và bế mạc đại hội. Theo đó, Ban chấp hành khóa mới đã họp phiên đầu tiên, bầu 17 người vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ông Đỗ Trọng Hưng, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa nhiệm kỳ 2015 - 2020, được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhiệm kỳ 2020 - 2025. Các ông Đỗ Minh Tuấn, Phó bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhiệm kỳ 2015 - 2020; Lại Thế Nguyên, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa nhiệm kỳ 2015 - 2020; Trịnh Tuấn Sinh, Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, được bầu làm Phó bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ban Chấp hành Đảng bộ Thanh Hóa nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng bầu 13 người vào Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Ông Lê Quang Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa nhiệm kỳ 2015 - 2020, được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Ninh Thuận
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV cũng đã công bố kết quả Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ban chấp hành đã bầu 15 ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; ông Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận khóa XIII, tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy khóa XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ông Trần Quốc Nam, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; ông Phạm Văn Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh, được bầu giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy. Hội nghị cũng đã bầu 10 người vào Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khóa mới; ông Nguyễn Thanh được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
Cà Mau
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã công bố các kết quả bầu cử Ban Thường vụ, Bí thư, Phó bí thư, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 15 thành viên; ông Nguyễn Tiến Hải tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy; ông Lê Quân (Phó bí thư Tỉnh ủy khóa XV) và ông Huỳnh Quốc Việt (Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khóa 15) được bầu giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy; ông Lê Minh Ý (Giám đốc Sở Nội vụ) được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
Dân chủ thực chất sẽ tạo động lực phát triển đất nướcNgày 28.10, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến các hội đồng tư vấn của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam với các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.
TS Nguyễn Viết Chức, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế - văn hóa - xã hội, đề nghị ban soạn thảo đọc kỹ những văn kiện, nghị quyết của Đảng đã ban hành về văn hóa, đồng thời căn cứ tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển trong tình hình mới để viết lại phần nói về văn hóa, cả cách đặt vấn đề, cả nội dung lẫn cấu trúc.
Trong khi đó, GS-TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ - pháp luật, bày tỏ đồng tình với nhiều nhận định trong dự thảo các văn kiện về phát huy dân chủ, coi đây là động lực phát triển đất nước. Tuy nhiên, GS Đường đề nghị cần nhận thức, đánh giá sâu sắc hơn về việc phát huy dân chủ, nhất là việc phát huy dân chủ nhiều lúc còn hình thức. “Nếu phát huy dân chủ một cách thực chất thì sẽ tạo nên động lực, huy động nguồn lực phong phú để phát triển đất nước”, GS Đường nói, đồng thời đề nghị trong phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền, dự thảo cũng cần nhấn mạnh việc tăng cường tổ chức thi hành pháp luật để tương xứng với công tác xây dựng pháp luật.
PGS-TS Trần Hậu, Ủy viên Hội đồng Tư vấn khoa học, giáo dục - môi trường, thì đề nghị khi đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng cần đi sâu vào nguồn gốc của hiện tượng tham nhũng, lãng phí, đó chính là chủ nghĩa quan liêu. Bởi theo ông Hậu, chính chủ nghĩa quan liêu sinh ra tệ độc đoán, chuyên quyền, chủ quan duy ý chí, gia trưởng phong kiến, xa dân, thói đặc quyền đặc lợi, lợi ích nhóm... “Xử lý vụ án này, vụ án khác chỉ là phần ngọn của vấn đề. Chừng nào chưa đặt vấn đề chống chủ nghĩa quan liêu thì chúng ta còn vất vả chống tham nhũng”, ông Hậu góp ý.
GS-TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật - kinh tế ASEAN, Ủy viên Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật, đề nghị báo cáo chính trị và sau đó là Nghị quyết Đại hội XIII cần làm mọi cách để cải cách tư pháp phải đúng trọng tâm, trọng điểm là hướng tới tòa án. “Trong tòa án thì vị trí độc lập của thẩm phán, độc lập của hoạt động xét xử được coi là linh hồn của cải cách tư pháp”, ông Hạnh nhấn mạnh. Theo GS Hạnh, nhiều ý kiến nói độc lập tư pháp là “tam quyền phân lập” hay làm ảnh hưởng tới tính thống nhất quyền lực của nhà nước, làm giảm vai trò lãnh đạo của Đảng là không đúng. “Nếu Đảng tạo dựng được trong thể chế nhà nước một hệ thống tòa án nghiêm minh, thực thi công lý, công bằng thì vai trò lãnh đạo của Đảng tốt hơn”, ông Hạnh khẳng định.
Lê Hiệp
|
Bình luận (0)