Hôm nay (7.6), các nhà khảo cổ học chính thức bắt tay vào việc khai quật cổ vật trên con tàu đắm ở vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi).
Những ngày qua, Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương tập trung hoàn tất những công đoạn cuối cùng để các nhà khảo cổ học chính thức bắt tay vào việc. Theo ông Đoàn Sung, đại diện Công ty Đoàn Ánh Dương, công ty tập trung nhân lực, phương tiện thổi cát xung quanh con tàu sâu khoảng 1 m. Phần cát lấp trên con tàu đắm dùng các vòi nước đẩy cát chảy qua 2 bên đến khi lộ diện toàn bộ thân tàu mới bắt đầu khai quật. “Các nhà khảo cổ học và đơn vị chúng tôi phối hợp khai quật cổ vật trên con tàu cổ đắm này theo hình thức cuốn chiếu, bắt đầu từ phần đuôi tàu đắm. Công đoạn đầu tiên là căng dây, chia ra thành từng ô, đánh số rồi hút nước, thổi cát để cổ vật lộ ra mới trục vớt đưa lên bờ. Dự kiến, việc khai quật cổ vật diễn ra trong vòng 60 ngày”, ông Sung nói.
|
Vị trí con tàu cổ đắm nằm cách bờ chừng vài chục mét là điều kiện thuận lợi nhưng cũng nảy sinh nhiều khó khăn trong quá trình khai quật di sản văn hóa dưới nước. Do vậy, sau khi khảo sát, tính toán tỉ mỉ cho việc khai quật cổ vật và trục vớt xác con tàu cổ đắm an toàn, thuận lợi, Công ty Đoàn Ánh Dương đã thay đổi phương pháp khai quật, không sử dụng thợ lặn mà đầu tư hơn 10,5 tỉ đồng thi công đê vây chắn sóng, ngăn nước bao quanh tàu cổ đắm trên diện tích khoảng 300 m2.
Theo TS Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ủy viên Hội đồng thẩm định cổ vật Bộ VH-TT-DL, ở Việt Nam đã khai quật 5 con tàu cổ đắm dưới biển nhưng đều ở độ sâu từ 36-72 m nên việc khai quật cổ vật rất phức tạp, thời gian kéo dài. Trong khi đó, con tàu cổ đắm ở vùng biển thôn Châu Thuận Biển nằm gần bờ lại có đê vây, là cơ hội quá thuận tiện cho công tác khảo cổ, khai quật ở dưới biển giống như trên cạn. “Theo tôi, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam và các nước trong khu vực mới tiến hành khai quật cổ vật, trục vớt tàu cổ đắm dưới biển theo phương pháp kết hợp vừa dưới nước vừa trên cạn. Điều này không chỉ hạn chế thấp nhất cổ vật bị hư hỏng trong quá trình khai quật mà còn có thể trục vớt được nguyên vẹn xác tàu cổ đắm”, TS Chiến nói.
|
Mặc dù bước đầu xác định con tàu cổ đắm ở vùng biển thôn Châu Thuận Biển có niên đại ở thế kỷ 14, thuộc thời Nguyên (Trung Quốc) nhưng các nhà khảo cổ học hy vọng trong quá trình khai quật sẽ tìm ra được những dữ liệu để đánh giá chính xác niên đại của tàu cổ. Theo TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi, ngoài việc khai quật “kho” cổ vật trên con tàu đắm, các nhà chuyên môn đặc biệt quan tâm đến việc trục vớt nguyên trạng xác tàu cổ đắm dưới biển đưa lên bờ để phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày. Đây là hiện vật hết sức quý giá, vì nếu đưa được lên bờ thì sẽ là vỏ tàu cổ đầu tiên ở Việt Nam trục vớt được. Nếu xác tàu cổ đắm bị hư hỏng nhiều, các cơ quan chức năng tính tới phương án bảo quản tại hiện trường tàu đắm để phục vụ cho khách tham quan du lịch dưới biển.
Đại tá Nguyễn Thanh Trang, Phó giám đốc Công an Quảng Ngãi: Trong thời gian khai quật, trục vớt cổ vật trên tàu cổ đắm, lực lượng công an, biên phòng bảo vệ nghiêm ngặt hiện trường suốt 24/24 giờ. Đặc biệt, sau khi cổ vật đưa lên bờ lập tức chuyển ngay vào xe chuyên dụng của công an để vận chuyển về Bảo tàng Quảng Ngãi, trong sự hộ tống của nhiều chiến sĩ cảnh sát cơ động và nhân viên giám sát của các cơ quan chức năng. |
Hiển Cừ
Bình luận (0)