Những ngôi mộ được tìm thấy tại khu vực sông Nile chảy vào Địa Trung Hải, theo báo The USA TODAY hôm 29.4.
Trong lúc làm việc tại khu di tích ở tỉnh Dakahlia, đội ngũ các nhà khảo cổ học Ai Cập bất ngờ phát hiện được tổng cộng 110 ngôi mộ ở 2 khu vực khác nhau.
Trong số này, 68 ngôi mộ thuộc về thời tiền sử của Ai Cập (khoảng năm 3300 trước công nguyên), khi Thung lũng sông Nile còn bị chia thành vùng Thượng và Hạ Ai Cập.
Năm ngôi mộ thuộc về nền văn hóa Naqadda III, giai đoạn trước khi Ai Cập hợp nhất vào năm 3000 trước công nguyên. Để dễ so sánh, các kim tự tháp ở Giza vào thời pharaoh có niên đại vào khoảng năm 2500 trước công nguyên.
“Khu nghĩa trang này thật sự vô cùng thú vị vì nó kết hợp một số giai đoạn sơ khai của lịch sử Ai Cập với kỷ nguyên quan trọng, thời của người Hyksos”, theo Arab News dẫn lời nhà Ai Cập học Salima Ikram.
37 trong số 110 ngôi mộ thuộc về giai đoạn Hyksos, khi người Palestine di dân đến Ai Cập hồi thế kỷ 18 trước công nguyên.
Một số ngôi mộ thời tiền sử được chôn theo tư thế để người chết ngồi xổm, trong khi mộ của giai đoạn Naqadda là những vò hình trụ và hình giống quả lê. Hài cốt trong các mộ Hyksos được đặt theo tư thế nằm, với đầu hướng về phía tây.
“Các nhà Ai Cập học đang tìm hiểu cách người Ai Cập và Hyksos chung sống trong quá khứ”, theo chuyên gia Ikram.
Bình luận (0)