Khai thác cát chỉ cần đăng ký, 'cát tặc' sẽ tự do lộng hành?

02/09/2024 11:32 GMT+7

Đại biểu Quốc hội lo lắng việc dự thảo luật Địa chất và khoáng sản bỏ quy định cấp phép khai thác khoáng sản nhóm 4 như cát, chỉ cần đăng ký sẽ dẫn đến tình trạng 'cát tặc' khai thác tự do mà không bị xử lý.

Báo cáo các nội dung lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Địa chất và khoáng sản, Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quốc hội (cơ quan thẩm tra) trình tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 6 Quốc hội khóa XV vừa qua cho hay, quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị đánh giá kỹ tác động và cân nhắc không nên bỏ quy định về thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác, nhất là đối với khoáng sản làm vật liệu san lấp.

Có ý kiến rà soát loại khoáng sản đưa vào nhóm 4, cho rằng khoáng sản nào đặc thù và cần thiết thì vẫn cấp phép thay vì chỉ đăng ký; đồng thời, có thể ủy quyền cấp phép ở cấp huyện.

Khai thác cát chỉ cần đăng ký, 'cát tặc' sẽ tự do lộng hành?- Ảnh 1.

Khai thác cát tại sông Hồng - sông Đà

ẢNH: TUẤN MINH

Theo cơ quan thẩm tra, quy định về đăng ký khai thác đối với khoáng sản nhóm 4 là nội dung mới về cải cách thủ tục hành chính nhằm đơn giản hóa trình tự, thủ tục hành chính so với hiện hành. Đây là khoáng sản có công nghệ khai thác đơn giản, nhu cầu sử dụng có tính thời điểm, đặc biệt là phục vụ công trình, dự án quan trọng quốc gia, dự án đầu tư công khẩn cấp. Do đó, cần có quy trình cho phép khai thác đơn giản, rút gọn thông qua thủ tục đăng ký.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật chỉnh sửa theo hướng việc cấp phép khai thác khoáng sản được thực hiện theo hình thức đăng ký hoạt động khai thác để thống nhất, đồng bộ với bộ luật Hình sự.

Cụ thể, tại điều 76 về khai thác khoáng sản nhóm 4, dự thảo luật quy định không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép thăm dò khoáng sản; việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản được thực hiện theo hình thức đăng ký hoạt động khai thác, trừ trường hợp khai thác tận thu khoáng sản.

Về thủ tục đăng ký, tại điều 77 của dự thảo luật quy định, tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đăng ký khai thác khoáng sản nhóm 4 và gửi về UBND cấp tỉnh xác nhận bản đăng ký khai thác khoáng sản.

Theo quy định tại dự thảo, khoáng sản nhóm 4 bao gồm các loại đất sét, đất đồi; đất lẫn đá, cát, cuội, sỏi hoặc đất, sét có tên gọi khác chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp, đắp nền đường hoặc móng công trình; đất đá thải mỏ.

Khai thác cát chỉ cần đăng ký, 'cát tặc' sẽ tự do lộng hành?- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh)

ẢNH: GIA HÂN

"Cát tặc" sẽ khai thác tự do mà không bị xử lý

Góp ý vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) cho rằng, việc thay thủ tục cấp phép bằng thủ tục đăng ký như dự thảo luật cũng sẽ không thực hiện cấp phép thăm dò và phê duyệt trữ lượng khoáng sản, do đó, sẽ không xác định được thành phần loại khoáng sản, chất lượng khoáng sản làm cơ sở để xác nhận đăng ký hoạt động khoáng sản.

Cạnh đó, đại biểu đoàn Quảng Ninh cho rằng, việc thực hiện trách nhiệm tài chính liên quan việc lựa chọn tổ chức đăng ký khai thác nhóm 4 cũng cần quy định rõ trong dự thảo luật.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) thì đề nghị không nên bỏ việc cấp phép bằng việc đăng ký khai thác khoáng sản nhóm 4.

Đại biểu đoàn Đồng Nai cho rằng, việc cơ quan soạn thảo và thẩm tra tiếp thu ý kiến bằng cách quy định "cấp phép thực hiện theo hình thức đăng ký" thực chất là vẫn giữ nguyên quy định về việc đăng ký và bỏ quy định về cấp phép.

Phân tích về mặt pháp lý, theo ông Long, việc đăng ký và cấp phép là 2 thủ tục hoàn toàn khác nhau và giá trị cũng khác nhau.

Khai thác cát chỉ cần đăng ký, 'cát tặc' sẽ tự do lộng hành?- Ảnh 3.

Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai)

ẢNH: GIA HÂN

Cấp phép là một xác nhận của nhà nước để xác nhận quyền, nghĩa vụ của một tổ chức, cá nhân nào đó được phép khai thác. Trong giấy phép đó sẽ bao gồm phạm vi khu vực được khai thác, thời gian khai thác, trữ lượng được khai thác.

Theo đại biểu Long, các thông tin trong giấy phép khai thác khoáng sản là rất quan trọng để cơ quan tố tụng có thể đấu tranh với tội phạm được gọi là "cát tặc" hiện nay.

"Khoáng sản nhóm 4 chủ yếu là các vật liệu san lấp nền phục vụ cho các công trình giao thông và xây dựng. Chúng ta cũng biết là trong thực tiễn có một loại tội phạm được gọi là "cát tặc" và chúng ta đang phải đấu tranh hết sức cam go từ trước tới nay. Nếu theo phương án bỏ cấp phép, chúng tôi cho rằng chúng ta sẽ giải quyết cơ bản được vấn đề cát tặc theo hướng là từ nay sẽ khai thác tự do mà không bị xử lý", ông Long nói.

Từ đó, ông Long đề nghị điều chỉnh lại quy định theo hướng giữ nguyên việc cấp phép khai thác đối với khoáng sản nhóm 4.

Về cải cách thủ tục hành chính, ông Long nhìn nhận, cũng không phải trở ngại hay rắc rối gì mà có thể cản trở đến tiến độ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngược lại, việc này hoàn toàn có thể đáp ứng được cả yêu cầu quản lý nhà nước và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng có căn cứ rõ ràng để đấu tranh, xử lý đối với các hành vi vi phạm về thăm dò, khai thác các loại khoáng sản hiện nay.

Ngoài nhóm 4, các nhóm khoáng sản còn lại gồm:

Khoáng sản nhóm 1: các loại khoáng sản kim loại; khoáng sản năng lượng; đá quý, đá bán quý; khoáng chất công nghiệp.

Khoáng sản nhóm 2: các loại khoáng sản làm vật liệu trong ngành công nghiệp xây dựng phục vụ sản xuất xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, đá ốp lát, mỹ nghệ, vôi công nghiệp, vật liệu chịu lửa.

Khoáng sản nhóm 3: các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này; than bùn; bùn khoáng, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.