Ngày 18.7, chúng tôi được anh K. dẫn theo con đường trước cổng UBND xã Sông Bình, xuôi kênh tưới Phan Rí- Phan Thiết về thôn Tân Hòa. Anh K., cho hay, trước đây xe chở cát lậu đi theo con đường ven mương nhỏ cách trụ sở UBND xã chừng 400m. Nay con đường này xuống cấp nghiêm trọng và bị người dân phản đối quyết liệt nên xe chở cát chuyển hướng đi trước cổng UBND xã.
Đáng ngại, con đường này có cây cầu thủy lợi bắc qua kênh cho người dân lưu thông đi làm đồng nhưng xe chở cát trên 20 tấn vẫn thản nhiên chạy qua.
“Người dân thôn Tân Hòa khiếu nại lên xã vì cát tặc lộng hành, gây hư hỏng đường sá, xe cộ vào làng khó khăn nhưng không thấy chính quyền xã phản hồi”, anh K. bức xúc.
tin liên quan
Khai thác cát trái phép còn đòi đốt đoàn kiểm traÔng Thạch không hợp tác mà còn lái ô tô tải tông vào một xe máy của cán bộ kiểm tra; đồng thời dùng can xăng 20 lít tới gần đoàn kiểm tra và có ý định phóng hỏa nhưng bị ngăn cản.
“Đại công trường” khai thác cát
Theo kênh thủy lợi chừng 3 km, chúng tôi gặp một điểm khai thác cát trái phép ngay ven kênh. Chủ mỏ đặt một máy bơm lớn ven kênh hút nước lên để lọc cát. Một chiếc máy cuốc đào cát hoạt động công khai, sát ngay đường đi mà không sợ bị cơ quan chức năng phát hiện.
Tiếp tục vào sâu thêm 1 km nữa, chúng tôi bắt gặp một công trường khai thác cát nằm lọt bên trong cánh đồng trồng đậu phộng. Tiếng máy bơm hút cát ì xèo, xe ben chở cát ra vào liên tục. Tại công trường, chủ cát lậu này xây dựng một căn nhà tôn vây kín cho công nhân trú ngụ. Hàng trăm mét khối cát sạch chất thành đống. Những chiếc xe ben chở cát cách đó vài trăm mét đổ vào hồ để tập kết vẫn liên tục ra vào. Anh K. tiết lộ đây là mỏ cát của Công ty TNHH Danh My có trụ sở tại TT.Lương Sơn (H.Bắc Bình).
Mai phục ngay ngã ba, đường ra vào mỏ cát lậu (giao với quốc lộ 28B, cách cổng ủy ban xã chừng 50m), chúng tôi ghi nhận có ít nhất 7 xe ben ra vào thường xuyên chở cát trong thời gian khoảng 30 phút. Do đường xấu nên xe ben đi rất chậm. “Người dân nào cũng biết đó là xe chở cát trái phép nhưng không có bất cứ lực lượng nào ngăn chặn. Cứ mỗi xe chở ra khỏi mỏ cát này 35 m3 cát/ngày, thì 10 chiếc xe ben sẽ vận chuyển ra khỏi đây là 350 m3 cát/ngày", anh K. tính toán.
Chỉ khai thác… sỏi làm đường nông thôn
Trong khi đó trả lời PV Thanh Niên, ông Hồ Công Tồn, giám đốc Công ty TNHH Danh My thừa nhận nơi chúng tôi ghi hình khai thác cát là của doanh nghiệp ông thực hiện. Tuy nhiên, ông Tồn cho biết chỉ khai thác sỏi để làm đường nông thôn cho xã, chứ không chở cát ra khỏi địa phương(?!). “Tôi có múc sỏi để làm đường giao thông nông thôn vào thôn Sông Bằng, Quỳnh Phụ. Bữa giờ cứ đổ thừa Danh My làm cát phá đường là không đúng. Ngay kênh là bãi cát của ông Phong, chứ không phải của tôi. Tôi có nói xã cứ điều tra xem xe của những ai phá đường? Hiện nay có tới 5 bãi cát đi chung con đường của tôi hết”.
|
Cũng theo ông Tồn, trên địa bàn xã Sông Bình hiện có nhiều mỏ cát khai thác trái phép chứ không riêng gì doanh nghiệp của ông. Có những người độc chiếm đường vào các bãi cát để thu tiền đường trái phép. Thậm chí có hiện tượng manh động, dùng hung khí đánh nhau để chiếm đường đi vào khai thác cát lậu. “Tụi nó muốn độc chiếm đường vào bãi cát, vì tụi nó là dân dao búa, tôi không muốn ồn ào làm gì. Tôi có nói tài xế thôi đưa tiền đường cho nó đi, mấy chục nghìn không đáng”.
Một lãnh đạo UBND xã Sông Bình thừa nhận việc Công ty Danh My và một vài người khác khai thác cát trái phép ở địa phương là có thật. “Tuy nhiên để bắt quả tang họ khai thác rất khó vì có ai hay để lộ thông tin ra ngoài”, vị này nói. Trong khi đó trả lời Thanh Niên, Trưởng phòng TN-MT H.Bắc Bình Phan Văn Tính cho biết đoàn kiểm tra liên ngành của huyện cũng thường xuyên kiểm tra các nơi có dấu hiệu khai thác trái phép, kể cả xã Sông Bình và các xã khác nhưng không phát hiện được.
Ông Tính cho rằng: “Cái chính trong ngăn chặn phải là chính quyền xã vì ở địa bàn mới biết hết được từng điểm khai thác trái phép, chứ huyện không thể nắm hết được dưới địa bàn”.
Bình luận (0)