Việc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.HOME (Q.7, TP.HCM) trúng quyền khai thác mỏ cát trữ lượng gần 2,4 triệu m3 trên sông Tiền thuộc xã Bình Phước Xuân, H.Chợ Mới (An Giang) với giá gần 2.812 tỉ đồng là chuyện chưa từng có trong việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát sông tại An Giang.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: “UBND tỉnh đã yêu cầu Sở TN-MT rà soát lại các văn bản liên quan của pháp luật quy định về đảm bảo trúng thầu, thực hiện sao có lợi nhất cho địa phương để ra quyết định cấp phép khai thác cho các đơn vị trúng thầu. Tỉnh sẽ gặp doanh nghiệp trúng thầu để xem xét thực hư thế nào. Trong trường hợp họ có đấu giá ảo hay không thì địa phương cũng có cách giải quyết”.
Thực tế có nhiều nơi đã phải hủy kết quả trúng thầu vì giá trúng quá cao. Ngày 12.4, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Bến Tre cho biết ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh, đã ký các quyết định hủy kết quả trúng đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát trên địa bàn 2 huyện Ba Tri và Châu Thành vì quá thời hạn 12 tháng, kể từ ngày có quyết định trúng đấu giá nhưng các doanh nghiệp không nộp hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và không nộp tiền đấu giá vào ngân sách theo quy định.
Giá trúng thầu các mỏ cát này cao hơn 10 lần so với giá khởi điểm. Trong đó, Công ty TNHH Sơn Ninh do ông Cao Văn Nguyên, ngụ TP.HCM, làm đại diện theo pháp luật trúng đấu giá mỏ cát trên sông Hàm Luông thuộc địa bàn 2 xã An Đức và An Hòa Tây của H.Bình Đại, trữ lượng khoảng 1,7 triệu m3 với giá 220 tỉ đồng (khởi điểm chưa tới 50 tỉ đồng). Công ty vận tải biển Đà Nẵng do ông Trần Hải Nam, ngụ TP.Đà Nẵng, làm đại diện theo pháp luật trúng đấu giá mỏ cát ở xã An Hiệp và An Ngãi Tây (H.Bình Đại) với giá 121 tỉ đồng, trữ lượng khoảng 1,4 triệu m3. Công ty TNHH xây dựng - thương mại Hiệp Hương, có địa chỉ ở TX.Cai Lậy, Tiền Giang, trúng giá 22 tỉ đồng mỏ cát trên sông Ba Lai, thuộc xã Quới Sơn, H.Châu Thành với trữ lượng hơn 1 triệu m3.
Một lãnh đạo Sở Xây dựng Bến Tre bình luận: Tình hình cát lấp khan hiếm và tăng giá lên từng ngày khiến cho hàng loạt công trình đầu tư công phải tạm ngưng trong thời gian qua nhưng còn lâu giá cát mới theo kịp giá trúng kiểu “trả giá cho bõ ghét”’ như vậy.
Còn tại tỉnh Đồng Tháp, nơi có trữ lượng cát rất lớn tại ĐBSCL vẫn chưa thực hiện đấu giá mỏ cát như tại tỉnh An Giang. Ngày 9.2, ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ký báo cáo về tình hình quản lý khoảng sản năm 2020 trên địa bàn theo yêu cầu của Bộ TN-MT, trong đó kiến nghị Bộ có văn bản hướng dẫn thực hiện đối với khai thác cát sông là thuộc trường hợp không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Có thể là "không ăn được thì đạp đổ"
Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo Tổng cục Địa chất khoáng sản (Bộ TN-MT) cho biết đã nắm được thông tin liên quan đến vụ đấu giá mỏ cát tại xã Bình Phước Xuân (H.Chợ Mới) và đang theo dõi sát sao diễn biến tiếp theo sau cuộc đấu giá gây sốc này. “Đây là cuộc đấu giá gây chú ý trong lĩnh vực khai khoáng, đặc biệt là khai thác cát. Lần đầu tiên có mức giá trúng cao như vậy và tạo sự nghi ngờ lớn, cần theo dõi xem đơn vị trúng đấu giá là thật hay chỉ đấu chơi. Nếu đơn vị trúng đấu giá làm thực theo giá như vậy thì quá tốt, nhà nước thu được số tiền lớn từ việc đấu giá mỏ cát này, không có vấn đề gì phải bàn luận”, vị lãnh đạo nói.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo cũng bày tỏ rất khó tin đơn vị đấu giá có ý định làm thật vì theo những tài liệu, nghiên cứu thì chất lượng cát ở vùng An Giang chỉ phục vụ xây dựng bình thường nên không thể có mức giá trên 1 triệu đồng/tấn như mức trúng đấu giá, khó khai thác có lãi. Thông thường, các cuộc đấu giá chỉ trúng ở mức giá tăng lên gấp vài lần so với mức khởi điểm. Để làm rõ, Tổng cục Địa chất khoáng sản, Bộ TN-MT đang xem xét đề nghị tỉnh An Giang có báo cáo về mỏ cát và cuộc đấu giá này để nắm thông tin rõ hơn.
Một cán bộ của Tổng cục Địa chất khoáng sản bày tỏ cần tìm hiểu nội tình cuộc đấu giá thì có thể hiểu được vì sao có kết quả đấu giá gây sốc như vậy. Rất có thể xảy ra trường hợp có đơn vị nhận thấy mức giá quá cao để có lãi thì tăng giá để không ai đuổi kịp, sau đó sẽ bỏ cuộc như một dạng không ăn được thì đạp đổ, chấp nhận mất tiền đặt cọc để phá ngang. Do vậy, cần phải rà soát lại những đơn vị đấu giá với giá cao để có hình thức, quy định xử lý.
Bình luận (0)