KHỐN KHỔ
Ghi nhận cuối tháng 7.2024, sau khi mỏ đá Thượng Long (H.Nam Đông) ngưng khai thác, cũng là lúc nhiều diện tích trồng lúa nước của người dân tại xã này bỏ hoang, nằm trơ trọi vì bị đá cuội vùi lấp.
Người dân ở đây cho hay sở dĩ tình trạng này xảy ra là do trong quá trình thi công mỏ đá, việc nổ mìn khiến đá bồi lấp làm ngăn cản dòng chảy của khe Biêng (dẫn nước về ruộng). Đặc biệt, khi trời mưa to nước không thoát kịp, đất đá đã tràn vào, phá nhiều diện tích cây trồng.
Bà Hồ Thị Thới (42 tuổi, trú thôn 7, xã Thượng Long, H.Nam Đông) than phiền, từ khi mỏ đá khai thác, gia đình bà gần như mất trắng 2 sào ruộng. Đây cũng là tài sản duy nhất nuôi 5 "miệng ăn" trong nhà. "Những năm qua chúng tôi vẫn chỉ biết chờ đợi mà chưa thấy được bồi thường hay trả lại hiện trạng đất ban đầu", bà Thới nói.
Ông Võ Hữu Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thượng Long, cho biết cuối năm 2015 UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cấp phép cho Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh (Tập đoàn Trường Thịnh, trụ sở tại Quảng Bình) khai thác mỏ đá để phục vụ xây dựng án cao tốc La Sơn - Túy Loan. Năm 2022, khi hết thời hạn, doanh nghiệp đã đóng cửa mỏ, tuy nhiên để lại nhiều hệ lụy cho người dân.
Cụ thể, việc khai thác đá khiến 1,2 ha đất ruộng của 26 hộ dân thuộc thôn 5, 6 và 7, xã Thượng Long bị ảnh hưởng. "Mặc dù chính quyền địa phương và huyện đã nhiều lần làm việc với Tập đoàn Trường Thịnh yêu cầu khẩn trương hoàn trả mặt bằng sản xuất cho người dân, tiến hành khơi thông khe dẫn nước bị đất đá vùi lấp đảm bảo cung cấp nước cho người dân sản xuất, nhưng đã nhiều năm nay phía doanh nghiệp vẫn chưa khắc phục gì", ông Tuấn cho hay.
CHỦ Mỏ CHÂY Ì
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Dương Thanh Phước, Phó chủ tịch UBND H.Nam Đông, bày tỏ bức xúc bởi sự chây ì trong việc khắc phục thiệt hại do khai thác mỏ đá của Tập đoàn Trường Thịnh.
Theo ông Phước, sau khi doanh nghiệp này ngừng khai thác mỏ đá tại xã Thượng Long, UBND tỉnh và Sở TN-MT đã có văn bản đề nghị chủ mỏ hoàn thành các hạng mục cam kết để đóng cửa mỏ.
Cụ thể, Tập đoàn Trường Thịnh đã cam kết các nội dung như sau: Rào thép gai xung quanh mỏ đã khai thác; phân chia lại thửa ruộng và hạ độ cao các thửa ruộng trước đây do khai thác ảnh hưởng đến người dân; hỗ trợ kinh phí vụ sản xuất cho người dân trong năm 2022.
Lãnh đạo H.Nam Đông khẳng định, dù địa phương đã nhiều lần cùng Sở TN-MT tích cực hỗ trợ, hướng dẫn và đôn đốc Tập đoàn Trường Thịnh hoàn thành các nội dung cam kết trên, tuy nhiên đến nay doanh nghiệp này vẫn "ngó lơ", ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân địa phương. "Do chưa thể sản xuất nên người dân vô cùng bức xúc, liên tục có kiến nghị trong các kỳ họp HĐND và tiếp xúc cử tri. Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh, Sở TN-MT tiếp tục làm việc với Tập đoàn Trường Thịnh, kiên quyết xử lý tránh chây ì, kéo dài. Đề nghị doanh nghiệp này nghiêm túc thực hiện khắc phục, bồi thường như đã cam kết cho người dân", ông Phước nói.
Bình luận (0)