SÔNG "CHẾT" VÌ KHAI KHOÁNG
Sông Nậm Tôn bắt nguồn từ những dãy núi thuộc các xã Châu Hồng, Châu Tiến và Liên Hợp (H.Quỳ Hợp), tạo thành một nhánh chính của sông Dinh. Dòng sông này không lớn, nhưng từng là nơi cung cấp nguồn lợi thủy sản dồi dào cho người dân địa phương. Tuy nhiên, khi hàng chục mỏ thiếc hoạt động ở khu vực thượng nguồn rồi xả thải đã khiến nước sông trở nên đỏ quạch, ô nhiễm rất nghiêm trọng.
Ông Lô Văn Quý (một người dân ngụ xã Liên Hợp) cho biết sông Nậm Tôn trước đây nước trong vắt, người dân dùng đường ống đưa nước về tận nhà để sử dụng và cung cấp cho các cánh đồng lúa. Tuy nhiên, từ khi hoạt động khai thác thiếc diễn ra ồ ạt, dòng sông này đã "chết", người dân các xã dọc hai bên sông không còn đánh bắt cá tôm vì chúng không thể sống nổi, nước không thể dùng để sinh hoạt và cả canh tác lúa. Thời điểm hạn hán, nhiều người đã thử đưa nước sông vào đồng ruộng nhưng lúa cứ héo úa rồi chết, đất đai cũng bị thoái hóa. Không có nguồn nước tưới, người dân đành phải bỏ lúa chuyển sang cây trồng khác nhưng hiệu quả cũng rất thấp. Trâu, bò uống nguồn nước này thì còi cọc rồi chết dần. "Trâu, bò bị chết, khi mổ thịt thì gan, lách nổi u cục, ruột nhiều cát nên không ai dám ăn, phải mang chôn", ông Quý nói.
Kết quả quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An trong các năm qua cho thấy mẫu nước lấy từ sông Nậm Tôn có độ đục cao, chỉ số tổng chất rắn lơ lửng trong nước (TSS) vượt nhiều lần quy chuẩn. Năm 2017 chỉ số TSS vượt quy chuẩn từ 2,4 - 3,3 lần, năm 2018 vượt từ 1,63 - 4,73 lần, năm 2019 vượt từ 1,43 - 10,86 lần. Đặc biệt năm 2020 chỉ số TSS vượt đến 26,93 lần quy chuẩn. Trong mẫu trầm tích do cơ quan này quan trắc năm 2021, chỉ số asen vượt 9,28 lần quy chuẩn, chỉ số thủy ngân vượt 1,01 lần.
Tuy nhiên, đây chỉ là những mẫu nước được lấy ở trạm quan trắc trên sông đoạn qua TT.Quỳ Hợp, cách khu vực thượng nguồn Nậm Tôn và các mỏ thiếc hàng chục cây số nên mức độ ô nhiễm có thể đã giảm nhiều.
XẢ NGẦM VÀO HANG NÚI RỒI ĐỔ RA SÔNG
Hiện tại H.Quỳ Hợp có 13 mỏ quặng thiếc đã được cấp phép và còn hạn khai thác, trong đó 10 mỏ nằm ở thượng nguồn sông Nậm Tôn thuộc 3 xã Châu Hồng, Châu Tiến và Liên Hợp. Để khai thác thiếc, các chủ mỏ thường sử dụng bơm công suất lớn hút nước ngầm để tuyển quặng, bóc tách các hợp chất, kim loại khác ra khỏi thiếc. Theo quy định, nước thải sau khi sử dụng để tuyển quặng phải cho chảy xuống các hố lắng để xử lý, sau đó tiếp tục tái sử dụng và không được xả ra ngoài môi trường.
Tuy nhiên, bất chấp quy định, nhiều chủ mỏ sau khi tuyển quặng vẫn xả thải ra môi trường. Mới đây, đoàn kiểm tra của H.Quỳ Hợp phát hiện 2 doanh nghiệp lén lút xả thải bằng hệ thống đường ống dài hàng trăm mét, chôn dưới đất nối vào hang chảy ngầm trong núi để xả thải trái phép ra sông. Do điểm xả thải nằm sâu trong hang nên những lần kiểm tra trước đó cơ quan chức năng không phát hiện được.
Tại mỏ khai thác quặng thiếc của Công ty TNHH Hồng Lương tại xã Châu Hồng, khi kiểm tra, do đường ống xả thải trái phép bị bục vỡ nên đoàn kiểm tra mới tình cờ phát hiện một lượng lớn nước thải đỏ quạch đang phun từ dưới đất lên. Lực lượng chức năng mang máy múc đến múc đất và phát hiện một đường ống đường kính 150 cm được chôn sâu dưới lòng đất. Lần theo đường ống này, đoàn kiểm tra phát hiện điểm cuối xả thải nằm sâu trong lòng hang, điểm đầu của đường ống nối vào hồ lắng của mỏ thiếc này và được chủ mỏ lắp một máy bơm công suất 11 KW để bơm xả thải. Tại hang này còn có 2 miệng đường ống khác có đường kính 140 cm, dài khoảng 400 m dẫn tới hố lắng nước thải của Công ty TNHH Hà Cương, một doanh nghiệp khai thác quặng thiếc.
Thời điểm kiểm tra, bờ bao hố lắng của mỏ thiếc Hà Cương bị vỡ do mưa lũ nhưng chủ mỏ này chưa gia cố, khắc phục khiến bùn đất và nước chảy tràn ra môi trường. Tại hệ thống bể lắng, đoàn kiểm tra phát hiện 2 máy bơm công suất 11 KW nối với hai đường ống từ vị trí bể lắng đến hang. Chủ mỏ này thừa nhận việc lắp máy bơm và hệ thống đường ống là để bơm hút nước thải xả vào hang khi lượng nước thải đầy hố lắng hoặc lúc mưa lũ lớn. 2 chủ mỏ quặng này sau đó đã bị UBND H.Quỳ Hợp xử phạt 420 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 2 tháng. Sau khi 2 mỏ thiếc này bị đình chỉ hoạt động, nước sông Nậm Tôn đã có dấu hiệu trong hơn.
Ông Trần Đức Lợi, Phó chủ tịch UBND H.Quỳ Hợp, cho biết tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Nậm Tôn từ nhiều năm qua đã khiến địa phương đau đầu. Huyện đã nhiều lần lập đoàn kiểm tra nhưng rất khó tìm được thủ phạm vì hoạt động xả thải trái phép rất tinh vi.
Bình luận (0)