Khai thông cho 1 triệu căn nhà ở xã hội: Không nên bỏ qua phân khúc nhà cho thuê

02/08/2022 06:12 GMT+7

Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đều nhấn mạnh đến vai trò của nhà trọ cho thuê do nhân dân tự xây lẫn nhà ở cho thuê do doanh nghiệp đầu tư.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Him Lam, cho hay hiện nay Chính phủ đang tập trung huy động các doanh nghiệp (DN) và DN sẵn sàng nhưng nguồn lực lớn nhất để xây dựng, nhà ở công nhân chính là ở người dân.

“Như ở TP.HCM có 700.000 phòng trọ cho công nhân. Nên chăng Chính phủ nghiên cứu kỹ vấn đề này vì đây là vấn đề rất lớn song quy chuẩn, tiêu chuẩn không có. Quan trọng nhất là chúng ta phải xây dựng được tiêu chuẩn, quy chuẩn, huy động được nguồn lực của người dân mới là nguồn lực lớn, chứ còn nguồn lực của DN thì không đủ để đáp ứng nhu cầu”, ông Minh nói và cho rằng cần thêm cả chính sách hỗ trợ về nguồn vốn để giúp người dân phát triển nhà ở công nhân cho thuê.

Nhà ở xã hội tại khu đô thị mới Việt Hưng (Hà Nội)

Ngọc Thắng

Chủ tịch Tập đoàn Bitexco Vũ Quang Hội cũng nhận xét việc giải quyết nhà ở cho xã hội trong giai đoạn vừa qua khá tự phát, đa số là nhà trọ. Theo ông Hội, bây giờ chúng ta vẫn dùng nhà trọ “nhưng nâng lên thành một chính sách để chính những người dân có điều kiện sẽ chuyển đổi thành nhà hiện đại hơn, quy mô tốt hơn, đời sống tốt hơn” thì cũng góp phần giải quyết vấn đề.

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sungroup, cho hay thực tiễn, trong thời gian qua, Sungroup đã triển khai xây dựng các khu Sunhome cho cán bộ, nhân viên tập đoàn thuê hoặc thuê dài hạn, nhằm ổn định đời sống và yên tâm làm việc của người lao động song cũng không đủ. Từ đó, ông kiến nghị mở rộng đối tượng được mua đối với tổ chức (có thể là DN) mua để cho cá nhân, người lao động có thu nhập thấp thuê mua hoặc thuê dài hạn hoặc bán cho người lao động của chính DN đó mà có nhu cầu với giá ưu đãi.

Chia sẻ quan điểm này, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Hoàng Quân thông tin từ nay đến năm 2030, TP sẽ xây dựng 93.000 căn, trong đó dành 25% cho nhà ở công nhân và nhà cho thuê. Vì thế, ông kiến nghị Chính phủ cần ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nhà ở thương mại có giá phù hợp, nhà ở cho thuê, nhằm tạo thêm nguồn cung về nhà ở cho các đối tượng công nhân, người lao động có thu nhập thấp.

Kết luận vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định phải thừa nhận vai trò của nhân dân trong phát triển các khu nhà trọ, bảo đảm nhà ở cho người lao động tại những nơi đông công nhân, nhưng quản lý nhà nước còn chưa quan tâm, còn khoảng trống về pháp lý về lĩnh vực này. Do đó, thời gian tới, cần phát huy vai trò này của nhân dân, trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường nhưng có sự can thiệp, điều tiết của nhà nước khi cần thiết để bảo đảm an sinh, tiến bộ và công bằng xã hội, môi trường. Thủ tướng cũng lưu ý các tỉnh, TP có nhiều khu công nghiệp, tập trung nhiều công nhân như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Dương… cần dành quỹ đất và kêu gọi các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các DN sản xuất và DN bất động sản tham gia đầu tư, phát triển nhà ở công nhân, nhà lưu trú cho công nhân thuê.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.