Khai thông nhà ở xã hội: Các nước láng giềng có ‘bí kíp’ gì?

07/08/2022 12:53 GMT+7

Tham mưu cho Chính phủ về chính sách nhà ở xã hội , Bộ Xây dựng đã tổng hợp kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội của một số nước láng giềng.

“Bí kíp” xây nhà ở xã hội của Hàn Quốc

Bộ Xây dựng cho biết, để khắc phục được các vấn đề về thiếu hụt nhà ở phát sinh bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành các chính sách cung cấp nhà ở xã hội công đa dạng: cung cấp nhà ở xã hội cho thuê, đa dạng hóa các loại nhà ở để bán phù hợp khả năng chi trả của người thụ hưởng; hỗ trợ cho người có nhu cầu thông qua khống chế giá cho thuê, hỗ trợ vay tiền mua nhà, gói hỗ trợ nhà ở; chế độ đối với đất đai hình thành từ việc phát triển quỹ đất nhà ở công/giao quỹ đất cho các dự án...

Bộ Xây dựng tổng hợp kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội của các nước hàng xóm tham mưu cho Chính phủ

lê quân

Bộ Xây dựng cho biết, tại Hàn Quốc, việc xây dựng nhà ở xã hội chủ yếu được giao cho Tập đoàn Đất đai và Nhà ở Hàn Quốc (Tập đoàn Đất đai và Nhà ở) thực hiện theo hình thức hoạt động, hạch toán độc lập, nhà nước hỗ trợ về tài chính (được mua đất giá rẻ khi xây dựng nhà cho người thu nhập thấp) và vay ưu đãi tín dụng. Ngoài ra Tập đoàn Đất đai và Nhà ở phải tự thu hút các nguồn đầu tư khác. Nguồn lực này phần lớn là tiền từ người mua, thuê nhà.

Đến nay, Tập đoàn Đất đai và Nhà ở đã cung cấp nhà ở cho 3,73 triệu (tương đương 19%) trong tổng số 19,56 triệu hộ gia đình ở Hàn Quốc qua việc xây dựng 2,70 triệu công trình nhà ở xã hội và cung cấp 1,03 triệu công trình nhà ở cho thuê.

Bí quyết của Trung Quốc trong phát triển nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng cũng nêu chính sách phát triển nhà ở xã hội tại Trung Quốc là loạt giải pháp đồng bộ: tập trung phát triển nhà ở cho thuê giá rẻ với sự tham gia, hỗ trợ mạnh mẽ của nhà nước.

Bộ Xây dựng cho biết, nhà nước sẽ không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

lê quân

Trong khi đó, các địa phương chủ động lập kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội, căn cứ vào kế hoạch của địa phương, Bộ Nhà ở lập kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội cho toàn quốc và thực hiện phân bổ nguồn ngân sách mà T.Ư hỗ trợ cho các địa phương.

Đồng thời, các địa phương cũng phải điều tiết kinh phí để xây dựng nhà ở xã hội. Chính phủ miễn một số loại thuế, cho vay vốn đối với các công ty tham gia xây dựng nhà ở xã hội.

Về phương thức tạo quỹ đất cho xây dựng nhà ở xã hội, Trung Quốc dành từ 2 - 5% diện tích đất trong dự án nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội và xây dựng dự án nhà ở xã hội riêng. Nhà ở xã hội là nhà chung cư cho thuê và nhà để bán theo giá Chính phủ quy định với diện tích: 50 - 70 - 95 m2. Phương thức lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội ở Trung Quốc phần lớn là qua đấu thầu.

Đến nay, tổng số 16,2 triệu căn nhà cho thuê công đã được xây dựng trên toàn quốc, hơn 38 triệu người đủ điều kiện được sống trong nhà cho thuê công và tổng số hơn 25 triệu người có nhu cầu đã được trợ cấp tiền thuê nhà.

Năm 2022, nguồn cung nhà ở cho thuê giá rẻ sẽ tiếp tục tăng mạnh và 2,4 triệu căn nhà cho thuê giá rẻ mới sẽ hoàn thành. Tính đến cuối năm 2021, tổng cộng khoảng 250 nghìn căn nhà ở quyền sở hữu chung đã được khởi công trên toàn lãnh thổ Trung Quốc.

Bộ Xây dựng đánh giá, Singapore là nước điển hình thành công trong việc phát triển nhà ở xã hội đảm bảo nguồn cung, đáp ứng nhà ở cho người dân thông qua mô hình các Tập đoàn hoặc Tổng công ty nhà nước đủ mạnh, có sự hỗ trợ của nhà nước về đất đai, tài chính để chuyên đầu tư phát triển loại hình nhà ở này.

Mỗi năm Singapore dành 1.2 tỉ USD cho nhà ở xã hội

Nhà nước Singapore đã chủ động tham gia đầu tư, cung cấp các loại hàng hóa bất động sản mà thị trường ít nhà đầu tư tham gia như nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội… để chủ động bình ổn thị trường.

Hội đồng phát triển nhà ở Singapore (HDB) được thành lập vào tháng 2.1960. Mỗi năm HDB nhận được từ ngân sách nhà nước bình quân 1.2 tỉ USD cho xây dựng nhà ở xã hội.

Đến nay, HDB đã xây dựng được trên 800.000 căn hộ các loại với các tiện nghi cần thiết cho người ở theo từng đối tượng. Hiện nay, trên 90% dân số Singapore sống ở các chung cư cao tầng trong đô thị trong đó 81% mua nhà của HDB bằng hình thức vay tiền trả dần với lãi suất căn cứ vào tình hình cụ thể.

Không hi sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần

Trong khi đó, tại Việt Nam, Bộ Xây dựng cho biết, mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đây là trách nhiệm của nhà nước, xã hội và người dân. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân theo cơ chế thị trường.

Đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội. Quan điểm là không hi sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Quan điểm của Bộ Xây dựng là phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân tại các địa phương gắn với phát triển thị trường bất động sản, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương.

Mục tiêu, đến năm 2025 sẽ hoàn thành các dự án đã triển khai đầu tư xây dựng (156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ) và các dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư (245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ); tiếp tục khởi công các dự án mới.

Đến năm 2030, hoàn thành đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, công nhân khu công nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.