Hủy bỏ 211 dự án tại Ninh Bình
Cuối tháng 1.2022, UBND tỉnh Ninh Bình đã ra quyết định hủy bỏ 211 công trình, dự án (DA) trải khắp 8/8 huyện, TP của tỉnh này do “sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất (SDĐ)”.
Tổng diện tích đất thu hồi từ các DA, công trình bị hủy bỏ lên đến hơn 537 ha, trong đó hơn 266 ha đất trồng lúa; hơn 29 ha đất rừng phòng hộ; và đất khác gần 241 ha. Các địa phương có DA, công trình bị hủy bỏ, gồm: TP.Ninh Bình (10 DA), H.Hoa Lư (8), H.Gia Viễn (9), H.Nho Quan (11), H.Kim Sơn (19), TP.Tam Điệp (7), H.Yên Khánh (14) và H.Yên Mô (133).
Dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn (H.Ngọc Lặc, Thanh Hóa) thi công một số hạng mục rồi bỏ hoang 13 năm qua |
PHÚC NGƯ |
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, giai đoạn 2017 - 2018, HĐND tỉnh Ninh Bình đã ban hành các nghị quyết thực hiện 211 DA, công trình trên. Đến giai đoạn 2018 - 2019, UBND tỉnh này đồng loạt ra các quyết định phê duyệt kế hoạch SDĐ đối với 211 DA, nhưng kể từ đó đến nay, các DA, công trình vẫn chỉ nằm trên giấy; các địa phương, cơ quan liên quan không thực hiện được việc thu hồi đất, chuyển mục đích SDĐ để triển khai DA như kế hoạch giao.
Một lãnh đạo Sở TN-MT Ninh Bình cho biết, căn cứ theo nghị quyết của HĐND tỉnh, sau thời gian 3 năm DA chưa thu hồi được đất, chưa chuyển mục đích SDĐ sẽ bị hủy bỏ. Vị này cũng cho biết thêm, nguyên nhân dẫn tới các DA, công trình chưa thực hiện được là do không giải phóng được mặt bằng, thiếu nguồn vốn đầu tư…
Liên quan đến trách nhiệm của các địa phương có nhiều DA bị hủy bỏ, như H.Kim Sơn, H.Yên Mô…, PV Thanh Niên đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại để nắm bắt thông tin, nhưng lãnh đạo các huyện này đều không trả lời.
Một trong những khu vực quy hoạch dự án nhưng chưa được triển khai tại tỉnh Nghệ An |
KHÁNH HOAN |
Dự án “treo” khắp nơi
Tại tỉnh Thanh Hóa, kết quả thanh tra 231 DA, có 52 DA đã hoàn thành, 55 DA đang trong giai đoạn đầu tư, chưa chậm tiến độ, 45 DA chậm tiến độ gần 24 tháng, 79 DA không SDĐ hoặc chậm tiến độ SDĐ, vi phạm luật Đất đai. Trong nhiều cuộc họp gần đây, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa bày tỏ quyết tâm sẽ “mạnh tay” thu hồi đối với các DA chậm tiến độ. Mới đây nhất, Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thống nhất chủ trương giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng chấp thuận dừng triển khai thực hiện DA Nhà máy xi măng Thanh Sơn (của Công ty CP xi măng Thanh Sơn) ở xã Thúy Sơn (H.Ngọc Lặc). DA này chậm tiến độ đã 13 năm, gây ảnh hưởng đời sống người dân xã Thúy Sơn và quy hoạch SDĐ của H.Ngọc Lặc. Mới đây, H.Ngọc Lặc đã lấy ý kiến hơn 700 hộ dân sống xung quanh DA và đều thống nhất kiến nghị các cấp không tiếp tục triển khai DA, vì cả chính quyền và người dân đều đã quá mệt mỏi.
Dự án nhà máy xi măng Thanh Sơn được triển khai từ năm 2009 với diện tích hơn 36 ha, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỉ đồng. Năm 2010, sau khi được bàn giao đất, chủ đầu tư đã xây dựng các hạng mục như: Nhà ở công nhân, tường rào bao quanh nhà máy, ép cọc bê tông móng và một số công trình phụ trợ khác…, với tổng số tiền khoảng 400 tỉ đồng. Nhưng kể từ đó đến nay, dự án ngừng thi công.
Tại Nghệ An, theo tìm hiểu của PV, nhiều DA khu đô thị rộng hàng chục héc ta tại TP.Vinh được chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch từ nhiều năm qua, được gia hạn nhiều lần vẫn đang “nằm im”.
Sở KH-ĐT Nghệ An cho biết, năm 2021 Sở này đã rà soát 213 DA chậm tiến độ, trong đó có 94 DA đang được UBND tỉnh xem xét để ra quyết định thu hồi. Từ năm 2012 đến nay, Nghệ An đã thu hồi 200 DA “treo”, trong đó riêng năm 2021 có 14 DA bị thu hồi. Ông Nguyễn Như Khôi, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An, cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, HĐND tỉnh sẽ giám sát chuyên đề liên quan đến các DA “treo”, DA chậm tiến độ và DA SDĐ không đúng mục đích.
Tại Hà Tĩnh, tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 294 DA bị chậm tiến độ. Tỉnh này cũng đã thu hồi 50 DA, lập biên bản, ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đầu tư hơn 1,4 tỉ đồng. Hà Tĩnh hiện còn 244 DA chậm tiến độ. Trong đó 90 DA đã thực hiện thủ tục thuê đất và đang triển khai đầu tư xây dựng; 45 DA đã cho thuê đất nhưng chậm tiến độ kéo dài, không đưa vào sử dụng…
Lựa chọn nhà đầu tư có năng lực
Ông Trần Việt Hà, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Hà Tĩnh, cho biết các DA chậm tiến độ chủ yếu là do năng lực nhà đầu tư hạn chế và vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, một số ngành, địa phương chưa thực sự sâu sát trong kiểm tra, đôn đốc các DA. Ngoài ra, dịch Covid-19 cũng là một phần nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các DA.
Theo ông Hà, để nâng cao hiệu quả đầu tư, ngành chức năng Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện chặt chẽ, hiệu quả khâu thẩm định hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư nhằm lựa chọn nhà đầu tư có năng lực… “Hiện nay, ngành chức năng sẽ phân loại các DA chậm tiến độ để có biện pháp xử lý phù hợp, nhưng tinh thần vẫn là kiên quyết thu hồi với những DA chậm tiến độ kéo dài”, ông Hà nói.
Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho hay: “Thanh Hóa sẽ không có vùng cấm đối với việc thu hồi các DA chậm tiến độ, vi phạm luật Đất đai. Thanh Hóa sẽ tích cực kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực và tạo điều kiện tốt nhất để triển khai các DA mới”.
Bình luận (0)