'Khai tử' tàu du lịch vỏ gỗ trên vịnh Hạ Long

02/12/2024 07:12 GMT+7

Tỉnh Quảng Ninh đang lên kế hoạch phát triển đội tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đến năm 2030. Kế hoạch này được coi là cuộc 'lột xác' khi 'khai tử' tàu gỗ, tàu nhỏ để thay bằng tàu hoành tráng, tiện nghi.

Khó cạnh tranh

Theo Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh, trên vịnh Hạ Long hiện có 508 tàu du lịch, trong đó có 118 tàu vỏ gỗ. Trong bão số 3, có tới 26/28 tàu du lịch bị bão đánh là tàu vỏ gỗ, đã khai thác nhiều năm… 

Ghi nhận của PV Thanh Niên tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu (TP.Hạ Long) cho thấy, trong hơn 200 tàu du lịch đang neo đậu, các tàu vỏ gỗ rất dễ nhận ra bởi ngoại hình kém sang hơn hẳn so với tàu vỏ sắt. Các lớp sơn trắng của tàu bong tróc, cầu thang cũ kỹ, lạc hậu. Dịch vụ trên tàu cũng nghèo nàn, ngoài hệ thống loa kéo, tivi thì không còn gì khác. Mỗi khi tàu nổ máy đưa du khách đi tham quan vịnh Hạ Long là khói phun đen ngòm, mùi dầu máy bốc lên nồng nặc.

'Khai tử' tàu du lịch vỏ gỗ trên vịnh Hạ Long- Ảnh 1.

Một tàu đóng mới trên vịnh Hạ Long

ẢNH: LÃ NGHĨA HIẾU

Ông Lê Văn Dũng, Chủ đội tàu Hà Anh, cho biết doanh nghiệp có 4 tàu vỏ gỗ đang nằm trong lộ trình chuyển đổi sang tàu vỏ thép. Theo ông, du khách bây giờ thường xem ngoại hình tàu trước khi đặt dịch vụ nên các tàu vỏ gỗ cũng khó cạnh tranh. 

"Chúng tôi rất muốn chuyển sang tàu vỏ thép để kinh doanh lâu dài, thế nhưng sau nhiều năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kinh doanh ngày càng khó khăn nên chưa đủ nguồn lực. Doanh nghiệp cũng tính đến chuyện bán suất tàu hoặc chuyển sang vùng khác kinh doanh", ông Dũng nói.

Thực tế, theo ông Trần Văn Hồng, Chi hội trưởng Chi hội tàu du lịch Hạ Long, cuộc chuyển đổi từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép đã diễn ra từ cách đây nhiều năm, khi tỉnh Quảng Ninh có chủ trương giảm niên hạn tàu từ 25 năm xuống còn 15 năm. Tàu gỗ đóng mới gần đây nhất là từ 2013, nên chỉ 7 - 8 năm nữa loại phương tiện này sẽ bị xóa sổ hoàn toàn trên vịnh Hạ Long. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng "khai tử" tàu cũ (kể cả còn niên hạn) để đóng tàu vỏ thép, nâng cao chất lượng dịch vụ trên vịnh Hạ Long.

'Khai tử' tàu du lịch vỏ gỗ trên vịnh Hạ Long- Ảnh 2.

Một tàu vỏ gỗ chở khách trên vịnh Hạ Long bị đánh chìm trong bão số 3

ẢNH: LÃ NGHĨA HIẾU

Trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Hồng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh, cho biết tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp thay thế tàu gỗ bằng tàu vỏ thép nhằm nâng cao điều kiện an toàn, tăng khả năng ngăn ngừa ô nhiễm nước từ dầu thải. Địa phương cũng khuyến khích thay thế từ 2 tàu trở lên bằng 1 tàu có trọng tải lớn hơn, đảm bảo tiện nghi, chất lượng dịch vụ, đồng thời tăng tổng trọng tải đội tàu để đáp ứng yêu cầu phục vụ khách, tạo sức hút, cạnh tranh với các tỉnh lân cận và trong khu vực. 

"Việc thay thế tàu có trọng tải lớn hơn là để giảm số lượng tàu theo khuyến nghị của UNESCO, đặc biệt là hướng đến sự an toàn, chất lượng dịch vụ cho du khách", ông Minh khẳng định.

Giải bài toán tăng bo từ tàu to vào bến

Chấp hành chủ trương nâng tầm đội tàu tham quan trên vịnh Hạ Long nhưng nhiều doanh nghiệp lo ngại khi các con tàu "giống nhau y như đúc". 

Theo đó, các tàu ngoài việc phải sơn trắng là màu chủ đạo còn phải đóng tàu theo 3 mẫu được tỉnh thuê thiết kế và cung cấp mẫu miễn phí. Thực tế cho thấy, nhiều tàu du lịch trên vịnh Hạ Long đang giống hệt nhau, du khách nếu không nhớ tên số hiệu tàu thì rất khó tìm và lên nhầm tàu.

'Khai tử' tàu du lịch vỏ gỗ trên vịnh Hạ Long- Ảnh 3.

Tăng bo du khách nước ngoài từ tàu mẹ đến các điểm tham quan trên các tender cũ kỹ

ẢNH: LÃ NGHĨA HIẾU

Vẫn theo các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tàu tham quan vịnh Hạ Long, để tìm được nơi đóng tàu vỏ thép quanh khu vực miền Bắc là rất khó khăn. Các đơn vị đóng tàu phà sông biển đang quá tải, doanh nghiệp gặp khó khi muốn ký hợp đồng thời hạn sớm để kinh doanh. Nhiều chủ tàu vì vậy phải chấp nhận "bán suất" cho các ông chủ lớn có tiềm lực để họ đóng tàu to hơn. Hồi đầu năm 2024, một đại gia Quảng Ninh đã mua 8 suất tàu vỏ gỗ để đóng 2 du thuyền hạng sang trên vịnh Hạ Long. Thế nhưng, không phải doanh nghiệp nào cũng "chịu chơi" như vậy.

Không chỉ chủ trương chuyển đổi tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép trên vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh còn khuyến khích các doanh nghiệp tăng kích cỡ tàu, tạo thêm không gian và mở thêm dịch vụ. Tuy nhiên, hiện đang nảy sinh nhiều bất cập trong quản lý vận tải với các du thuyền được thiết kế ngoại cỡ.

Cụ thể, sau khi được cấp lệnh xuất bến từ các cảng tàu thì nhóm du thuyền không thể đưa khách cập bến, khách phải chuyển sang tàu nhỏ để đến các điểm tham quan trên vịnh. Đáng nói, các phương tiện chuyển tải khách không nằm trong danh mục quản lý của cơ quan chức năng, đồng thời làm gia tăng mật độ phương tiện, gây nguy cơ tai nạn giao thông thủy…

'Khai tử' tàu du lịch vỏ gỗ trên vịnh Hạ Long- Ảnh 4.

Các xuồng tăng bo đang làm tăng mật độ phương tiện trên vịnh Hạ Long

Ảnh: LÃ NGHĨA HIẾU

Ghi nhận của PV cho thấy, tại các điểm tham quan nổi tiếng trên vịnh Hạ Long như đảo Ti Tốp, động Thiên Cung, hang Sửng Sốt…, hàng loạt du thuyền đồ sộ phải neo đậu ngoài xa để các xuồng cao tốc, tender chuyển tải khách trên biển. Quá trình ngồi tender đến điểm tham quan, nhiều du khách không mặc áo phao. Các tender thiết kế nhỏ, luồn lách đi cạnh tàu to luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, mà thực tế từng xảy ra vụ va chạm giữa tender và tàu du lịch, gây thiệt hại về người.

Nói về điều này, ông Bùi Hồng Minh cho biết, các tàu đều được đăng ký tender đi kèm với số lượng không hạn chế. Hiện có khoảng 105 tender được đăng ký với Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh. 

"Chúng tôi sẽ yêu cầu cơ quan chức năng giám sát, xử lý nghiêm đối với các trường hợp tender chở quá số người quy định, du khách không mặc áo phao…; đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng có phương án mở rộng cảng bến, tổ chức đón khách đến các điểm tham quan đảm bảo an toàn", ông Minh nhấn mạnh.

Theo kế hoạch phát triển đội tàu trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đạt 100% phương tiện được đóng mới, thay thế bằng vỏ thép hoặc vật liệu tương đương. Đặc biệt, tỉnh khuyến khích tàu du lịch đóng mới có trọng tải từ 200 khách trở lên, tàu lưu trú đóng đáy đôi và nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, có chất lượng dịch vụ cao.

Đối với tàu đóng mới, tỉnh Quảng Ninh sẽ ban hành quy định mở rộng diện tích phương tiện, tăng tiện nghi, tối thiểu 1,4 m2/khách. Các tàu bố trí thêm không gian cho các dịch vụ khác như bar, sảnh ngắm cảnh...; lắp đặt các trang thiết bị chất lượng cao, áp dụng tiêu chuẩn từ 5 sao trở lên đối với tàu lưu trú, tàu nhà hàng…


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.