Thời tiết cuối năm tại TP.Bảo Lộc khá đẹp, buổi sáng nhiệt độ khoảng 17 độ C. Chúng tôi lên lịch khám phá một số thác nước hoang sơ được bạn bè địa phương giới thiệu. Điểm đến đầu tiên trong hành trình là thác Quan Âm và Đào Nguyên Cốc (còn gọi là thác Tam Hợp), nằm bên trong khuôn viên chùa Di Đà, thuộc xã Lộc Tân, H.Bảo Lâm, cách trung tâm TP.Bảo Lộc khoảng 20 km.
Chùa Di Đà là điểm đến tâm linh nổi tiếng với không gian rộng, kiến trúc ấn tượng mang phong cách nhà rông Tây Nguyên, xung quanh là những đồi trà xanh mướt. Sau khi tham quan chùa, chúng tôi di chuyển ra phía sau để tìm đường xuống thác.
Phía sau chùa có bảng chỉ dẫn xuống thác Quan Âm, đường đi được lát đá di chuyển dễ dàng, một số đoạn du khách thả bộ trên những bậc thang xuống con dốc dài. Xung quanh có nhiều cây che mát rượi nên đi hơn 30 phút từ chùa xuống thác vẫn không thấy mệt. Đến gần chân đồi, nghe tiếng nước chảy bên tai, thác hiện ra đẹp hơn những gì chúng tôi tưởng tượng.
Đang là mùa khô nên thác không có nhiều nước, du khách có thể ngồi ngâm chân thư giãn, hít thở không khí trong lành và chụp ảnh khá đẹp. Mọi người nên mang theo nước uống và thức ăn nhẹ để nghỉ ngơi dọc đường, lưu ý không mang đồ ăn mặn vào chùa.
Từ thác Quan Âm, chúng tôi đi qua một chiếc cầu treo để đến thác Đào Nguyên Cốc (còn gọi là thác Tam Hợp). Hai nơi này cách nhau khoảng 30 phút đi bộ, tuy nhiên đường đến thác Đào Nguyên Cốc chủ yếu là đường đất, không lát đá, du khách đi theo các lối mòn qua những rẫy cà phê, vườn cây ăn trái. Vì ở giữa rừng, ít người qua lại nên một số đoạn đường bị lá cây che phủ, mọi người nên quan sát thật kỹ để không bị lạc.
Thác Đào Nguyên Cốc nằm ở vực sâu, đoạn khó nhằn nhất là khu vực gần thác, bạn phải vượt qua con dốc nghiêng, nền đất ẩm, nên bám vào các gốc cây để tránh trơn trượt. Đến nơi, du khách sẽ quên hết mệt nhọc khi nhìn ngắm nước đổ trắng xóa. Ánh nắng mặt trời rọi vào những giọt nước li ti tạo thành những chiếc cầu vồng càng làm nơi này trở nên huyền ảo.
Xung quanh thác Đào Nguyên Cốc có nhiều loài hoa, rêu rừng phát triển tươi tốt. Bạn sẽ tròn mắt thích thú trước những khóm hoa đầy màu sắc mọc ven thác, thỏa thích ngắm nhìn cảnh đẹp của núi rừng Tây Nguyên.
Từ thác Đào Nguyên Cốc, nhóm chúng tôi trở lại chùa Di Đà với thời gian hơn 1 tiếng đồng hồ. Trong khuôn viên chùa có một quán nước nho nhỏ phục vụ các loại trà cho du khách ngồi nghỉ mệt trước khi di chuyển đến địa điểm tiếp theo.
Buổi chiều chúng tôi di chuyển theo quốc lộ 20 hướng về Đà Lạt để đến thác Cây Cau ở xã Lộc Nga, nơi này cách trung tâm thành phố khoảng 6 km, nằm trong hẻm 42 Võ Trường Toản. Đường đi dễ dàng, xe máy có thể đến tận nơi, bạn chỉ đi bộ một đoạn để xuống thác.
Anh Phạm Minh Hiền, đang sinh sống tại TP.Bảo Lộc, cho biết thác Cây Cau được nhiều du khách biết đến từ tháng 3 năm nay, hiện cảnh quan bên thác đang được cải tạo, trồng nhiều cây, dọn cỏ để có chỗ cắm trại, uống cà phê, check-in, nhưng vẫn giữ nét hoang sơ vốn có.
Ở thác Cây Cau, góc xích đu được xem là điểm check-in "triệu view" mà bạn không nên bỏ qua vì lấy trọn cảnh đẹp của thác. Thời gian thích hợp đến đây là vào buổi sáng và chiều vì nắng không quá chói chang, thời tiết cũng mát mẻ hơn. Bạn nên chọn trang phục, giày dép thoải mái để có thể đi bộ, tham quan cả ngày.
Bình luận (0)