Từ việc tạo nên một khách sạn ở không gian tương lai đến con tàu vũ
trụ chỉ có trong trí tưởng tượng hay cơ ngơi kỳ bí của thế giới pháp
thuật, đó là những gì mà các đội ngũ thiết kế sản xuất đã mang đến cho Passengers, Hail Caesar!, Arrival, La La Land và Fantastic beasts and where to find them những hình ảnh ấn tượng nhất. Cùng ngắm lại những công việc của các ứng viên Oscar 2017 ở hạng mục Production Designer (Thiết kế sản xuất xuất sắc).
Passengers
Thiết kế sản xuất: Guy Hendrix Dyas. Phụ trách trang trí: Gene Serdena
Trong một cuộc phỏng vấn, Guy Hendrix Dyas thừa nhận sau khi nghe yêu cầu kịch bản từ đạo diễn Morten Tyldum, bản thân ông rất mơ hồ về con tàu không gian sang trọng mang tên Avalon đầy đủ tiện nghi trong phim. Thế nhưng, điều này lại làm ông thoải mái sáng tạo mà không bị bó buộc.
Thời gian mà nhà thiết kế sản xuất tài năng có chỉ là 10 tuần để lắp ráp bản dựng từng khu một với nhau trước khi chuyển đến Studio Pinewood Atlanta để tạo phim trường.
Và qua bàn tay của Guy Hendrix Dyas, Avalon với sức chứa hơn 5.000 hành khách bao gồm cả quầy bar, hồ bơi, trung tâm mua sắm, phòng chơi game, nhà hàng… hiện đại, được khắc họa chẳng khác gì một khách sạn siêu lớn ở thành phố Las Vegas (Mỹ) phồn hoa. Còn bên ngoài con tàu được ông miêu tả là mang “hình dạng thơ mộng và năng động”.
Thiết kế quan trọng nhất của phim là căn phòng lớn Grand Concourse - khu vực hành khách có thể di chuyển sang tất cả các địa điểm vui chơi giải trí. Grand Concourse được ví như một trung tâm thương mại trong tương lai khi có quảng cáo nổi ba chiều, đài phun nước và các khu vực tụ tập riêng.
Đặc biệt, khoang vé hạng A trên tàu sẽ cho bạn cảm giác như đang ở tòa nhà Vienna Suite (tại nước Ý) - nơi mà Guy Hendrix Dyas gọi là “một cabin bậc nhất cùng một cửa sổ riêng hướng thẳng lên các vì sao. Nơi này được trang hoàng như một phòng áp mái phong cách thành phố New York tương lai, đồng thời là một trong những bối cảnh trung tâm cho hai nhân vật chính Jim (Chris Pratt) và Aurora (Jennifer Lawrence) phát triển tình cảm lãng mạn cũng như trận tranh cãi nảy lửa.
Chia sẻ về nghệ thuật vận dụng trong phim, nhà thiết kế sản xuất 48 tuổi kể: “Tôi đã sử dụng các loại hiệu ứng thị giác để giúp phát triển mạch truyện bởi phim có khá ít màn đối thoại”.
Hail, Caesar!
Thiết kế sản xuất: Jess Gonchor. Phụ trách trang trí: Nancy Haigh
Trong khi phần lớn phim ảnh hiện nay đều tận dụng tối đa hiệu ứng máy tính thì đội ngũ thiết kế sản xuất Hail, Caesar lại né tránh công nghệ, thực hiện phim trường 100% bằng tay nhằm mang đến hình ảnh thật nhất có thể cho người xem. Jess Gonchor bật mí rằng tất cả các khâu đều được dựng bằng tay từ việc vẽ, phác thảo bằng bút chì và tô màu. Thậm chí, họ còn ứng dụng luôn kỹ thuật làm phim của những năm 1950 làm bối cảnh chính trong phim.
Xoay quanh câu chuyện hậu trường “thâm cung bí sử” của các nhà làm phim Hollywood thời xưa, sản phẩm tinh thần của hai anh em đạo diễn Joel và Ethan Coen quy tụ dàn sao hạng A, đã cho khán giả cái nhìn mới mà ít ai biết đến.
Phim trường dựng trong vòng 4 tháng trước khi tác phẩm bấm máy quả thật đã đem đến cho người hâm mộ và giới phê bình một cảm giác cực kỳ chân thật. Và một trong những đoạn trau chuốt nhất trong phim là cảnh nhân vật của Channing Tatum hát và nhảy cùng các bạn diễn sắm vai thủy thủ trong một quán rượu. Trong thực tế, thách thức chính của tác phẩm là phải xây dựng một phim trường cổ điển trong phim giữa một phim trường hiện đại ngoài đời thật. Yêu cầu lớn nhất của “phim trường trong phim trường” này là phải mang lại cảm giác mà phim muốn truyền tải và phải có không gian đủ cho nam diễn viên thể hiện.
Jess Gonchor nói về bối cảnh trong đoạn phim trên: “Đó là một quán rượu có phong cách thủy quân. Tôi muốn làm một quán rượu tồi tàn để tạo nên sự trái ngược với đồng phục màu trắng. Tôi không muốn nhìn nó quá dơ bẩn nhưng vẫn mang lại chút nghèo nàn”. Ngoài ra, đội ngũ làm phim Hail, Caesar còn khéo léo đưa lên màn ảnh chi tiết về cách làm thủ công và các công việc của các hãng phim cũ để khắc họa một hình ảnh thời xưa sống động.
Arrival
Thiết kế sản xuất: Patrice Vermette. Phụ trách trang trí: Paul Hotte
Khi Louise Banks (Amy Adams) cùng các nhà khoa học xâm nhập vào tàu vũ trụ bí ẩn lơ lửng trên đồng bằng vùng Montana (Mỹ), họ đã giúp người xem thưởng thức những gì mà đạo diễn Denis Villeneuve và các nhà làm phim tự hào về không gian được thiết kế tỉ mỉ bên trong.
Patrice Vermette hé lộ: “Đây là nơi nhóm sẽ gặp người ngoài hành tinh Heptapods. Sự yên tĩnh là thứ mà đạo diễn Denis Villeneuve và tôi muốn nói trong đoạn phim này”.
|
La La Land
Cũng giống Hail, Caesar, La La Land tiết giảm tối đa yếu tố kỹ xảo CGI để cho người xem cảm nhận được chất nhạc và điện ảnh đầy “ma thuật” trong phim. Điển hình nhất là đoạn trong đài quan sát thiên văn Griffith nổi tiếng (Los Angeles, Mỹ) khi Mia (Emma Stone) và Sebastian (Ryan Gosling) gần như đắm chìm trong tình yêu, làm khán giả bay bổng tưởng tượng rồi nhanh chóng trở về với hiện tại lúc hai nhân vật "tiếp đất".
Để thực hiện vài phút tuyệt vời trên màn ảnh rộng, đoàn làm phim phải dựng lại một bản sao đài thiên văn tại studio Hollywood Center, vì Griffith ngoài đời đã quá hiện đại so với bối cảnh trong phim. Tuy nhiên, các cảnh quay ngoài và sảnh được thực hiện ở chính hiện trường.
|
Bên cạnh đó, những cảnh quay ngoại cảnh của La La Land đều được thực hiện ở Los Angeles nhưng đã được thay đổi và bổ sung một chút. Có một vài khu vực sơn màu lại để phù hợp với tác phẩm.
Một trong những điều giúp bộ phim âm nhạc của đạo diễn Damien Chazelle thành công chính là nhờ sự hợp tác ăn ý giữa các bộ phận với nhau. Dù công việc không yêu cầu tương tác với dàn diễn viên hay nhạc sĩ, nhà thiết kế David Wasco vẫn luôn đón nhận ý kiến từ họ. Ít ai biết rằng, chiếc xe mà nam nhân vật chính lái xuất phát từ ý tưởng của Ryan Gosling, và nhà soạn nhạc Justin Hurwitz cũng góp công chọn và điều chỉnh cho các cây piano trong tác phẩm.
Fantastic beasts and where to find them
Thiết kế sản xuất: Stuart Craig. Phụ trách trang trí: Anna Pinnock
Là phần phim “ăn theo” sê ri Harry Potter, nên không có gì lạ khi một vài chi tiết thiết kế của Fantastic beasts and where to find them mang nét tương đồng với “đàn anh” đi trước. Điều này thể hiện rõ nhất ở các đoạn quay căn phòng trung tâm Hội đồng phép thuật nước Mỹ với kiến trúc Gothic.
Stuart Craig kể về sản phẩm tinh thần của mình: “Đây được xem là cơ quan chính phủ của giới phép thuật, nên tôi muốn căn phòng đó phải trông thật rộng rãi và ấn tượng với đá lát cẩm thạch cùng trần nhà cao bất tận. Con phượng hoàng trên tường cao khoảng 4 m. Và vì là sinh vật yêu thích của cụ Dumbledore nên nó là chi tiết không thể thiếu. Các bức tượng khác lấy cảm hứng từ Đài tưởng niệm Albert ở Kensington Garden và phần tường sọc ngang dựa trên thiết kế nhà thờ ở Ý”.
Bối cảnh chính trong phim là thế giới phù thủy ở New York (Mỹ) những năm 1920, nhưng hầu hết tác phẩm được quay trong phim trường hãng Warner Bros. tại Leavesden (Anh). Đội ngũ thiết kế đã tốn không ít công sức để tái hiện tỉ mỉ đường phố, nhà ở, công trình kiến trúc… đậm chất Mỹ. Những chi tiết tưởng chừng như nhỏ nhoi này lại là "xương sống" của bộ phim.
Bình luận (0)