Khám phá con đường tơ lụa: Chờ ngày lên đường

17/11/2022 07:09 GMT+7

Cuốn sách Con đường tơ lụa: Vạn dặm xa từ Pakistan tới Tây An vừa được Chibooks và NXB Lao động ra mắt độc giả, là ghi chép của tác giả Trần Hồng Ngọc về hành trình đi dọc theo con đường tơ lụa từ đất nước Pakistan sang tới cố đô Tây An - cũng là điểm bắt đầu của con đường huyền thoại này ở Trung Quốc .

Có thể nói con đường tơ lụa là giấc mơ khắc khoải, là một sự ám ảnh đối với tôi. Mỗi khi nghĩ đến nó là tôi lại thấy sôi sục nhiệt huyết, hào hứng, phấn khích đến máu nóng rần rần.

Tác giả ở Turpan

CHIBOOKS CUNG CẤP

Lựa chọn cung đường

Trong tâm trí tôi, con đường tơ lụa rất thần thánh, kỳ vĩ. Không thể diễn tả hết được sự tài giỏi của người xưa khi khai thông ra con đường vận chuyển hàng hóa - giao thương buôn bán dài đằng đẵng, khắc nghiệt và cũng kỳ diệu này. Nhắm mắt lại, tôi cũng có thể hình dung ra khung cảnh đoàn người chậm rãi rong ruổi trên sa mạc ngút ngàn cát vàng, tiếng lục lạc phát ra lanh canh từ chiếc chuông buộc trên cổ lạc đà, nắng vàng rực rỡ chiếu rọi lên dấu chân lạc đà in trên biển cát sáng lấp lóa. Một trận gió quét qua, hệt như biển khơi dội trào từng đợt sóng nhỏ, làm cho những dấu chân trở nên mờ ảo trong gió cát.

Tuy nhiên, con đường tơ lụa quá dài (gần 7.000 km) và rộng lớn, trải dài trên nhiều quốc gia. Vì vậy, cần vài năm mới có thể đi được hết những điểm chính.

* Với cung đường ở Trung Quốc, đa số mọi người sẽ xuất phát từ thành phố Tây An - nơi khởi đầu của con đường tơ lụa nổi tiếng, rồi tới tỉnh Lan Châu, Trương Dịch, thị trấn Turpan, thành phố Kashgar, Khâu Từ, Đôn Hoàng…

* Khu vực Trung Á bắt đầu từ Cộng hòa Kyrgyzstan, băng qua cao nguyên Pamir (thuộc Cộng hòa Tajikistan) tới 3 thành phố: Samarkand, Bukhar và Khiva (thuộc Uzbekistan), đến quốc gia Turkmenistan. Đế chế Ba Tư (tên gọi cũ của Iran) kết hợp với các nước trong khu vực Kavkaz như Azerbaijan, Gruzia…

* Về phía châu Âu là Thổ Nhĩ Kỳ, Venice, Rome…

Để khám phá được kỹ càng, có lẽ mỗi chuyến đi chỉ nên tập trung vào một cụm địa điểm hoặc một nước nào đó. Tôi đã đặt chân đến Thổ Nhĩ Kỳ, Rome, Venice, Hy Lạp và khu vực Trung Á gồm: Kyrgyzstan, Uzbekistan và Tajikistan. Cung đường ở châu Âu tương đối dễ đi vì nó khá phổ biến, phương tiện giao thông hiện đại, người dân lại nói tiếng Anh nên cực kỳ thuận lợi. Trải nghiệm vùng Trung Á sẽ khó khăn hơn một chút, vì người dân địa phương chủ yếu nói tiếng Nga, và khu vực này xa xôi, hẻo lánh nên di chuyển mất nhiều thời gian, các phương tiện công cộng lại khá ít ỏi.

“Thiên đường hạ giới” vẫy gọi

Khi tìm hiểu con đường tơ lụa ở mạn Trung Quốc, tôi vô tình đọc được thông tin về đường cao tốc Karakoram, về thung lũng Hunza ở miền Bắc Pakistan - được ví như “thiên đường hạ giới”, không vẻ đẹp mùa thu nào sánh nổi. Một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu tôi: “Tại sao mình không thử trải nghiệm một cung đường hoàn toàn mới, chưa có nhiều người đi, đẹp xiêu lòng và đầy thử thách - là từ Pakistan sang Tân Cương và đi ngược về Tây An nhỉ?”

Ngay khi xác định được sẽ đi “combo” 2 nước Pakistan và Trung Quốc, tôi lập tức đăng Facebook rủ rê. Chỉ trong một ngày ngắn ngủi, tôi đã nhanh như chớp kết nạp được 10 người. Vậy là nhóm chúng tôi có cả thảy 5 nữ, 6 nam - một tỷ lệ cân bằng hiếm thấy.

*

Lần này, tôi chọn cho mình hành trình qua những địa điểm quan trọng: Bắt đầu từ Pakistan, băng qua đèo Khunjerab huyền thoại, nhập cảnh vào Tân Cương qua cửa khẩu Tashkurgan, hoàn thành trọn vẹn cao tốc “khét tiếng” Karakoram dài 1.290 km từ thủ đô Islamabad, Pakistan tới tận Kashgar. Từ Kashgar, tôi tiếp tục đi tới Khâu Từ, Turpan, Đôn Hoàng, Trương Dịch, và cuối cùng dừng chân tại điểm bắt đầu của con đường tơ lụa - Trường An (Tây An).

Đa số mọi người khi khám phá con đường tơ lụa sẽ khởi hành ở Tây An, rồi tới những nơi đông khách du lịch và đầy đủ dịch vụ như Đôn Hoàng, Urumqi… Nhưng hành trình của chúng tôi lại bắt đầu từ Pakistan, rồi mới đi đường bộ qua Tân Cương nên sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều. Thứ nhất là bởi, thông tin bằng tiếng Anh hay tiếng Việt về phương tiện đi lại từ thung lũng Hunza, Pakistan sang Tân Cương không nhiều. Thứ hai, những địa điểm tôi lựa chọn ở Tân Cương như Kashgar, Khâu Từ khá xa xôi, hẻo lánh, ít người lui tới. Vì vậy, thông tin không những rất ít ỏi, lại viết bằng tiếng Trung Quốc. Tôi đành phải nhờ Trang - thành viên duy nhất trong nhóm biết tiếng Trung - liên hệ giúp để có thể thống nhất được vụ xe cộ đưa đón ở những nơi xa xôi như Khâu Từ, Trương Dịch…

Ở phía Pakistan, may mắn là nhân viên các công ty du lịch đều có thể nói được tiếng Anh nên việc trao đổi khá thuận lợi. Vé máy bay, xe cộ đưa đón từ thủ đô Islamabad tới thung lũng Hunza, rồi tới đèo Khunjerab đều có thể đặt trước từ Việt Nam. Nhưng tìm được phương tiện để đưa cả đoàn nhập cảnh vào Tân Cương, Trung Quốc sau khi vượt qua đèo Khunjerab lại là một vấn đề khá đau đầu. Hằng ngày, sẽ có một chuyến xe buýt duy nhất đưa khách buôn bán và khách du lịch (rất ít ỏi) từ làng Sost sát biên giới Pakistan đến Kashgar, có dừng lại ở thị trấn Tashkurgan - nơi chính thức đóng dấu nhập cảnh vào Trung Quốc. Chuyến xe này không phải ngày nào cũng chạy, tùy thuộc vào lượng khách và thời tiết.

Cuối cùng, sau 2 tháng liên hệ, tôi cũng đã tìm được công ty Adventure Hunza có thể sắp xếp xe cộ cho chuyến đi. Tôi chỉ việc đặt vé tàu, xe, khách sạn cho những chặng có thể đặt được online và háo hức chờ đến ngày lên đường.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.