Tây An, hay Trường An, là một trong 4 kinh đô vĩ đại được sánh ngang với Cairo, Rome và Athens. Các triều đại Chu, Tây Hán, Tần, Tùy, Minh, Đường đều lấy Tây An làm kinh đô. Tây An phồn thịnh nhất vào thời Đường, việc giao thương trên con đường tơ lụa đã biến nó trở thành một trong những đô thị phồn hoa nhất thế giới thời kỳ bấy giờ. Trường An cũng là nơi các thương gia Trung Hoa tập kết hàng hóa, tơ lụa để bắt đầu chuyến đi dài đằng đẵng đến Đôn Hoàng, Kashgar và xuyên qua nhiều quốc gia tới tận La Mã. Chính vì vậy, trong hành trình lần này, nhất định tôi phải đến Trường An, mặc dù nó ở rất xa Tân Cương. Nhìn lại chặng đường từ Pakistan đến Tây An, tôi đã đi cả vài ngàn ki lô mét, qua 2 quốc gia, 4 tỉnh lớn của Trung Quốc cơ đấy!
Đỉnh Tây, Hoa Sơn |
CHIBOOKS cung cấp |
Khi đứng trước thành cổ Tây An, tôi ngây người, tự hỏi vì sao nó có thể sừng sững, rộng lớn như vậy. Tường thành cao 12 m, chân tường dày 18 m, trên bề mặt rộng 12 - 14 m, chu vi 13,74 km với một hào sâu bao quanh. Nó rộng đến mức cả vài chiếc xe ô tô tránh nhau trên tường thành vẫn thừa chỗ, bạn cứ hình dung tường thành Tây An dày và to bằng cả làn xe chạy ở các thành phố. Kích thước còn giữ lại từ thời nhà Minh đến giờ mà đã rộng thế thì không hiểu với chu vi 78 km ở thời kỳ nhà Đường, tường thành Tây An sẽ rộng lớn đến mức nào.
Thành cổ Tây An được Chu Nguyên Chương, vị vua đầu tiên của nhà Minh, xây dựng năm 1370 trên nền móng tòa thành đời Đường, đến nay đã có lịch sử hơn 600 năm. Cứ 120 m lại có một tháp canh, tổng cộng 98 tháp. Tường thành có 4 cổng: Trường Lạc Môn, An Định Môn, Vĩnh Ninh Môn và An Viễn Môn, lần lượt nằm tại 4 hướng đông, tây, nam, bắc. Phía bên ngoài tường thành có gần 6.000 lỗ châu mai để binh lính quan sát và bắn tên. Vật liệu xây dựng tường thành cũng rất đặc biệt. Ban đầu, các bức tường được xây bằng đất nện, vôi và nước gạo nếp trộn với nhau. Sau đó, nó được dựng hoàn toàn bằng gạch. Trường An là cổ thành lớn nhất thế giới lúc bấy giờ với dân số gần 1 triệu người - lớn gấp 5 lần so với thời kỳ hưng thịnh nhất của La Mã cổ đại. Hướng đông tây có 14 và nam bắc có 11 con đường rộng, thẳng đan chéo nhau, phân Trường An thành hơn 100 phường.
Buổi sáng sớm trên thành Trường An rất khác lạ. Cả một tòa thành rộng lớn được bao bọc xung quanh bởi dãy nhà cao tầng hiện đại, sương mù chưa tan hết khiến khung cảnh như thực như mơ, không hiểu mình đang xuyên không về cổ đại hay vẫn đang ở thời hiện đại nữa. Tường thành này đã chứng kiến bao nhiêu triều đại từ lúc huy hoàng cho đến khi lụi tàn rồi biến mất. Bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu sự kiện vật đổi sao dời, bao nhiêu thăng trầm, tàn phá của bom đạn đều như cát chảy qua kẽ tay rồi biến mất, nhưng tường thành vẫn tồn tại như một kỳ tích. Ở Tây An, bạn có thể tìm thấy lịch sử ngay dưới mỗi bước chân mình.
Cáp treo đục xuyên núi ở Hoa Sơn |
Lên Hoa Sơn luận kiếm
Ngày cuối cùng ở Tây An, tôi dành trọn cho Hoa Sơn - một trong năm Ngũ Nhạc danh sơn của Trung Quốc.
Hoa Sơn thuộc đoạn dãy núi Tần Lĩnh ở phía nam tỉnh Thiểm Tây, cách thành phố Tây An 130 km. Từ trên cao nhìn xuống, dãy núi giống như một bông hoa đang xòe cánh nên có tên gọi là Hoa Sơn. Ngồi trên cáp treo lên đỉnh núi, nhìn thấy nhà ga và các cây cột trụ được đục đẽo vào núi đá sâu hun hút hiểm trở và tưởng tượng con người phải chịu bao nhiêu hiểm nguy để xây dựng nên công trình này, tôi mới thấy số tiền vé mà lúc đầu tôi ca cẩm là đắt đỏ (khoảng 1 triệu đồng VN) quá xứng đáng.
Hoa Sơn hôm ấy là cuối thu, đầu đông nên đã có tuyết trên đỉnh núi. Trời lạnh buốt. Tuyết trắng phủ kín lối đi, lấp loáng dưới những tán cây tùng xanh hay tạo thành từng mảng trắng trên những viên gạch đỏ mái chùa. Những bông tuyết trắng tinh bay lơ lửng, phất phơ trong không khí. Quang cảnh các lớp núi trùng trùng điệp điệp dưới làn mây vô cùng hùng vĩ và đẹp ngỡ ngàng. Thấp thoáng những ngọn núi bồng bềnh, kỳ ảo trong làn mây, những cây tùng xanh mọc xuyên ngang vách đá, thỉnh thoảng lại có một lầu các tọa lạc trên phiến đá nhô ra, phía dưới là vực sâu hun hút như chúng ta vẫn thường thấy trong phim ảnh. Lớp núi này chồng lên lớp núi khác, xen lẫn với sắc nâu của núi đá là màu xanh của tùng, màu trắng của làn mây bảng lảng vờn sườn núi, màu vàng, màu hồng của cây bụi và màu đỏ của những sợi ruy băng buộc lên cây. Tất cả khiến Hoa Sơn như một bức tranh phong cảnh tuyệt sắc.
Các anh trong đoàn ai cũng bảo phải lên Hoa Sơn múa kiếm luận võ cho thỏa chí làm trai, tỏ mặt với thiên hạ. (còn tiếp)
(Trích Con đường tơ lụa: Vạn dặm xa từ Pakistan tới Tây An, Chibooks và NXB Lao động ấn hành)
Khám phá con đường tơ lụa
Bình luận (0)