Khám phá, giải mã quá khứ qua lịch sử

07/07/2015 08:00 GMT+7

Cải cách giáo dục lịch sử không chỉ là thêm bớt nội dung sách giáo khoa .

Cải cách giáo dục lịch sử không chỉ là thêm bớt nội dung sách giáo khoa.
Trong kỳ thi THPT quốc gia môn lịch sử sáng 4.7, điểm thi Trường THPT Vinh Xuân (H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế) chỉ có một thí sinh thi sử - Ảnh: Tuyết Khoa
Trong kỳ thi THPT quốc gia môn lịch sử sáng 4.7, điểm thi Trường THPT Vinh Xuân (H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế) chỉ có một thí sinh thi sử - Ảnh: Tuyết Khoa
Vai trò “tuyệt đối” của sách giáo khoa
Ở VN hiện nay tồn tại 2 nhóm ý kiến gần như đối lập liên quan đến việc đổi mới sách giáo khoa (SGK) lịch sử.
Nhóm thứ nhất nhận định rằng SGK lịch sử hiện hành quá chú trọng đến các nội dung lịch sử chính trị, đấu tranh cách mạng mà coi nhẹ các nội dung liên quan đến văn hóa, văn minh, chủ quyền... Từ đó nhóm này đi đến chủ trương cần phải cấp bách đưa các nội dung về lịch sử văn minh, chủ quyền dân tộc, các sự kiện lịch sử mới xảy ra... vào SGK.
Trái lại, nhóm thứ hai cho rằng SGK quá nặng nề với vô số sự kiện, số liệu không cần thiết làm cho học sinh (HS) và giáo viên cảm thấy “quá tải” trong khi thời lượng dành cho môn sử ở trường phổ thông quá ít ỏi. Xuất phát từ lập luận này họ chủ trương cắt bỏ, “giảm tải” các nội dung nặng về lý thuyết, không cần thiết, nặng nề trong SGK lịch sử và thay vào đó là các nội dung phù hợp với trình độ nhận thức của HS.
Nhìn bề ngoài 2 nhóm ý kiến này dường như đối lập nhưng thực chất lại rất thống nhất. Nói khác đi chúng là 2 biểu hiện của cùng một tư duy. Đó là tư duy về vai trò - vị trí có tính “tuyệt đối” của SGK lịch sử. Nghĩa là đồng nhất những gì viết trong SGK với nội dung giáo dục. Dưới ảnh hưởng của tư duy đó, thực tiễn giáo dục với sự tự chủ, tự do của giáo viên trong lựa chọn nội dung, phương pháp chỉ đạo học tập tùy theo tình hình trường học, địa phương, HS hầu như không tồn tại hoặc nếu có cũng trong phạm vi rất hẹp. Hệ quả là giáo viên trên thực tế trở thành người truyền đạt, minh họa, diễn giải nội dung SGK để HS nắm bắt, ghi nhớ và hiểu chúng. Ở đó những giáo viên không có bản lĩnh sẽ bám lấy SGK để tóm tắt thành giáo án rồi viết lên bảng hoặc đọc cho HS chép.
Những giáo viên tốt hơn một chút sẽ đọc thêm các sách tham khảo khác hay lên mạng tìm kiếm các thông tin có liên quan đến bài viết trong SGK nhằm làm cho bài giảng "sinh động". Kiểu dạy lịch sử minh họa này có thể làm cho HS thích trong chốc lát nhưng trong thời đại thông tin, một khi HS chăm đọc sách và biết dùng internet thì hiệu quả tích cực này nhanh chóng chấm dứt. Đơn giản vì mọi thứ giáo viên đưa ra để diễn giải, minh họa HS đã biết từ trước, thậm chí còn biết nhiều và sâu hơn giáo viên. Chưa kể có những trường hợp HS đọc được những đánh giá, giải thích sự thực trái ngược với những gì giáo viên giảng giải.
Ý nghĩa đích thực của việc học tập lịch sử
Trên thế giới hiện nay, người ta quan niệm giáo dục lịch sử mặc dù phải dựa trên sử học nhưng nó không chỉ sử dụng thành quả mà còn chú trọng các phương pháp của sử học. Đó là tìm kiếm, xử lý, phê phán tư liệu, thiết lập, kiểm chứng giả thuyết...
Một khi quan niệm giáo dục lịch sử là truyền đạt các thành tựu của sử học, giáo viên sẽ coi mục tiêu của dạy học là làm cho HS nắm được các sự kiện với những đánh giá, giải thích được quyết định sẵn. Khi làm như vậy, cả giáo viên và HS sẽ không thể tránh khỏi sự liệt kê và ghi nhớ la liệt các sự kiện với năm tháng, địa điểm chồng chất cùng các ý nghĩa, bài học kinh nghiệm đi kèm. Lối dạy học này lâu dần làm cho cả giáo viên và HS mệt mỏi và bế tắc trong việc tìm ra ý nghĩa đích thực của việc học tập lịch sử.
Vì vậy, để cải cách giáo dục lịch sử đem lại hiệu quả thì bên cạnh việc đổi mới SGK, giáo viên cần tích cực sử dụng các phương pháp của sử học trong chỉ đạo HS học tập. Một khi tiến hành học tập lịch sử dựa trên tư duy này, mục tiêu của giáo dục lịch sử sẽ là nhận thức lịch sử khoa học. Thay vì ghi nhớ các tri thức lịch sử và các quan điểm đánh giá, cơ cấu giải thích sự thực được định sẵn, HS sẽ trở thành “nhà sử học tí hon” để khám phá và giải mã quá khứ bằng tư duy và phương pháp của nhà sử học.
Ở ý nghĩa đó, giáo dục lịch sử sẽ có ích cho cả những HS trong tương lai không làm những nghề liên quan đến sử học. Khi đó, nhu cầu hiểu và giải thích được hiện thực xã hội một cách lô gíc, thực chứng là không thể thiếu. Để có thể làm được điều đó, con người cần tới tư duy và phương pháp sử học. Giáo dục lịch sử trong trường học muốn tồn tại và phát triển phải đảm nhận vai trò chủ đạo trong việc tạo ra công cụ hữu ích ấy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.