Khám phá hệ thống đồ nội thất robot độc đáo của startup Mỹ

06/05/2019 08:28 GMT+7

Hãng bán lẻ đồ nội thất số một thế giới Ikea vừa tổ chức một buổi huấn luyện cho startup, quy tụ 18 doanh nghiệp, trong đó có công ty sản xuất đồ nội thất robot với cảm ứng và phản ứng được với lệnh thoại.

Theo Bloomberg, BumbleBee Spaces là doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất “thế hệ mới” này. Nhà sáng lập Sankarshan Murthy của hãng là cựu kỹ sư Tesla và Apple. BumbleBee phát triển hệ thống robot để tối đa hóa không gian trong các căn hộ nhỏ, bằng cách nâng giường và đồ nội thất khác lên trần nhà khi chúng không được sử dụng.
Đồ nội thất robot có nhiều cảm biến để người dùng đặt vị trí của chúng đúng nơi họ muốn. Chẳng hạn, người dùng có thể đặt một cây vợt tennis phía sau tủ hay một đôi giày chạy bộ gần cửa ra vào để sử dụng vào buổi sáng. Tất cả được thực hiện qua nút bấm hoặc nút ra lệnh thoại. “Hệt như là bạn đang có một quản gia trí tuệ nhân tạo (AI)”, Murthy cho hay, nói thêm rằng ông lấy cảm hứng từ nhiều bộ phim hoạt hình kinh điển của Disney với cánh tay robot và nhiều thiết bị tương lai khác.
Đây là bước nhảy vọt lớn từ loại đồ nội thất truyền thống được bày bán trong Ikea, vốn rườm rà và cần được lắp ráp. Hệ thống phòng ngủ của BumbleBee đã được lắp đặt cho ba căn hộ ở California và Washington, tốn 6.000 USD cho mỗi phòng.
Nhà bán lẻ đồ nội thất lớn nhất thế giới Ikea hiện nỗ lực làm mới sức hút của mình với khách hàng dưới 30 tuổi, những người quan tâm đến trải nghiệm với dịch vụ, sản phẩm hơn là sở hữu chúng. Người trẻ cũng có không gian sống hạn chế và cần ít đồ nội thất hơn.
“Chúng ta đang đứng giữa cuộc cách mạng bán lẻ, nơi mọi người di chuyển liên tục giữa thế giới vật lý và kỹ thuật số. Họ muốn có giải pháp thông minh hơn và thuận tiện hơn so với trước đây”, ông Per Krokstade, nhà quản lý sự kiện bootcamp (huấn luyện) dành cho startup của Ikea, cho hay.
Skipping Rocks Lab thử nghiệm túi đựng thực phẩm ăn được làm từ rong biển trong một sự kiện marathon ở London Ảnh: Skipping Rocks Lab
Ikea không là nhà bán lẻ duy nhất đứng cùng các hãng khởi nghiệp công nghệ. Walmart cũng có vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp tại Thung lũng Silicon, hỗ trợ các hãng như Jetblack, dịch vụ mua sắm hỗ trợ cho cư dân sống tại nhiều khu vực sang trọng hay Spatialand, hãng chuyên tạo giải trí thực tế ảo cho các cửa hàng.
Thách thức của Ikea đặc biệt lớn hơn nhiều nhà bán lẻ khác vì hãng có cơ sở khách hàng trẻ hơn. “Đó là sự khác biệt về thế hệ. Ikea thức tỉnh trước thực tế này và sẵn sàng thay đổi với văn hóa mới”, Ray Gaul, phó chủ tịch nghiên cứu và phân tích cao cấp của Kantar Consulting, cho hay.
Ikea đã thâu tóm TaskRabbit, startup Mỹ cử nhân viên đến lắp ráp đồ nội thất cho khách hàng. Hãng cũng sắp hoàn tất nguyên mẫu của chiếc bàn công nghệ cao có thể làm tối hoặc làm sáng hơn ánh sáng trong phòng bằng hành động quét tay trên mặt bàn. Công nghệ này sử dụng điện cực được phủ lớp sơn dẫn điện, do Bare Conductive, startup Anh, phát triển.
Sự kiện bootcamp dành cho startup năm nay của Ikea còn có sự tham gia của Freemi ở Đan Mạch, hãng phát triển ứng dụng giúp người dùng bỏ nội thất cũ và nhiều vật dụng khác.
Dịch vụ của Freemi đang được cung cấp ở Đan Mạch và Hà Lan, gắn liền với mục tiêu giảm rác thải của Ikea. Một startup khác là Jido Maps chuyên tạo phần mềm thực tế tăng cường, cho phép người dùng lưu và khôi phục nhiều đối tượng kỹ thuật số. Ngoài ra, Skipping Rocks Lab chuyên phát triển vật đựng thực phẩm ăn được làm từ rong biển cũng đang có chỗ đứng tại các quầy ăn tự phục vụ của Ikea.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.