'Khám phá' làng chài Đà Nẵng qua nét ký họa độc đáo

18/01/2021 13:45 GMT+7

Qua những nét ký họa chân phương, mộc mạc của nhóm sinh viên tại Đà Nẵng , những mái đình làng biển rêu phong được khắc họa, lưu giữ và bảo tồn theo cách rất riêng...

Họ là những bạn trẻ đam mê ký họa, là những sinh viên chuyên ngành kiến trúc tại Đà Nẵng đã cùng tham gia dự án tranh “Đà Nẵng - Mái đình làng biển”, với mục đích lưu giữ những hình ảnh, cảm xúc với gần 20 chài tại Đà Nẵng như Thọ Quang, Nam Ô, Mân Thái, Tân Thái, Kim Liên...
Những bức ký họa chi tiết đã cùng chung tay lan tỏa những hình ảnh đẹp về làng chài Đà Nẵng, lưu giữ nét kiến trúc mái đình làng biển, lăng, miếu thờ, hoa văn mỹ thuật, không gian lễ hội cầu ngư... trước sự tàn phá của thời gian, sự biến đổi của không gian trong tiến trình đô thị hóa.

Một góc Âu thuyền Thọ Quang, nơi có chợ đầu mối hải sản lớn nhất Đà Nẵng

A.Q

Tác giả Trương Thị Khánh Việt cho biết lần đầu tiên đến Âu thuyền Thọ Quang (Q.Sơn Trà, Đà Nẵng) và có bức ký họa này. Việt rất ấn tượng về hình ảnh những con thuyền tránh trú trong khu neo đậu tàu thuyền lớn nhất ở Đà Nẵng. "Thương lắm ngư dân làng chài /Làn da rám nắng miệt mài ra khơi", Khánh Việt lưu lại cảm xúc bằng thơ cho bức ký họa.

Bức ký họa mang tên "Hướng về biển cả", vẽ Miếu thờ Ngư ông (tại P.Thanh Khê Đông, Q.Thanh Khê, Đà Nẵng)

A.Q

"Hướng về biển cả" vẽ tại miếu thờ Ngư ông (P.Thanh Khê Đông, Q.Thanh Khê, Đà Nẵng). Thiều Sinh Tuấn, tác giả bức ký họa "thuyết minh" đây là ngôi miếu nhỏ nằm trên một con thuyền được dựng lên từ bê tông cốt thép có kích cỡ bằng với một con thuyền đánh cá thật. Miếu đứng vững trên 16 chân trụ vững chãi và hướng ra biển, đại diện cho những ngư dân đã mất của 2 làng chài Thanh An, Thanh Thủy. Đó là những ngư phủ vĩnh viễn đi về phía biển để đổi lấy sự ấm no cho gia đình. Mũi thuyền hướng ra biển khơi để thể hiện ý chí bám biển ngàn đời, dù phong ba bão táp vẫn quyết bám biển ra khơi, giữ gìn làng biển, bảo vệ biển đảo, quê hương.

Đình làng Tân Thái (Q.Sơn Trà, Đà Nẵng)

A.Q

Nguyễn Đăng Ngọc với bức ký họa mang tên "Trở về". Chợ cá sớm tinh mơ ở làng biển Mân Thái (Q.Sơn Trà, Đà Nẵng). "Thức dậy bên biển xanh cát trắng, bỗng thấy thuyền đánh cá trở về, một cảnh tượng huy hoàng, bình dị. Thuyền về sau một đêm đánh cá, bắt tôm. Những người con biển cả đã trở về trong niềm vui sướng hân hoan, trở về với nhiều mẻ cá. Tác phẩm này được vẽ để lưu giữ lại khoảnh khắc đời thường dễ thấy, nhưng mà không phải ai cũng thấy được. Hãy thức dậy và cảm nhận biển khơi và con người nơi biển đảo khi bạn có thời gian rảnh rỗi", là chia sẻ của Ngọc khi ký họa làng chài sớm tinh mơ.

Đình Xuân Dương một ngôi đình tuyệt đẹp nằm tựa lưng núi đá cùng tên và nằm ngay trong khu vực làng nghề nước mắm – di sản văn hóa phi vật thể truyền thống Nam Ô (P.Hòa HIệp Nam, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng). Ngôi đình được xây dựng từ thời vua Tự Đức (1848-1883). Ký họa của Trần Văn Bằng.

A.Q

“ Giếng cổ - Dinh Cô Hồn” (P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng). Ký họa của Nguyễn Văn Đức.

A.Q

Nguyễn Văn Đức cho biết, làng Nam Ô là một làng chài với tuổi đời hơn 700 năm. Ngôi làng vẫn giữ được những nét đặc trưng của làng chài cổ hiếm hoi còn sót lại ở TP.Đà Nẵng. Và khi nói về văn hóa cũng như lịch sử của làng chài Nam Ô thì Đức thực sự ấn tượng với kiến trúc dinh có từ xa xưa này. Dinh linh thiêng là nơi ngư dân làng biển thờ cúng cầu may, để được mưa thuận gió hòa, gặp nhiều may mắn trong những ngày đánh bắt trên biển...
Thạc sĩ, Kiến trúc sư Phan Trần Kiều Trang (Trung tâm học tập gắn kết cộng đồng, Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng), chủ nhiệm Dự án tranh ký họa "Đà Nẵng - Mái đình làng biển", chia sẻ, dự án thu hút hàng tram sản phẩm của các bạn trẻ tham gia. "Khi tham gia dự án tranh ký họa, họ đều có chung mong muốn có những tác phẩm đẹp, sẽ góp phần lưu giữ hình ảnh đẹp về làng biển, giúp mọi người hiểu hơn về làng biển Đà Nẵng, lan tỏa câu chuyện làng chài Đà Nẵng đến mọi người", Kiến trúc sư Kiều Trang cho biết.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.