Về với Phú Yên, đến thôn Mỹ Bình, X.Sơn Thành, H.Tây Hòa, nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng với những thảm xanh của rau đắng đất phủ kín khu vườn hồ tiêu của gia đình ông Đinh Văn Thùy.
Chỉ là những chiếc lá bé xíu xiu trên thân dây thanh mảnh nhưng rau đắng đất có sức sống mạnh mẽ, chúng bện vào nhau làm nên tấm thảm xanh thiên nhiên tuyệt đẹp phủ dày các luống đất bên gốc hồ tiêu.
Gắn bó với cây rau đắng đất, ông Thùy cho biết: “Chúng tôi trồng rau đắng đất theo tiêu chuẩn thế giới, được cán bộ kỹ thuật của công ty Traphaco hướng dẫn. Rau đắng đất được nuôi dưỡng từ thiên nhiên là nền đất đủ ẩm, sạch, không cỏ dại. Một lứa rau đắng đất ‘xen canh’ trên vườn hồ tiêu 2 ha có thể cho thu hoạch 40 - 50 tấn/năm, thêm thu nhập tốt cho gia đình”.
Gia đình ông Thùy ở Phú Yên là một trong số hàng chục ngàn hộ nông dân tại các tỉnh, thành được dự án GreenPlan của Traphaco hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt, thu hái và thu mua lâu dài. Tất cả vùng trồng đều theo tiêu chuẩn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (GACP- WHO).
Với miền Trung du Phú Thọ, những cánh đồng bìm bìm biếc như vô tận với những bông hoa tím mong manh trên những giàn lá xanh bạt ngàn, là thành quả của người nông dân sau nhiều năm gắn bó với GreenPlan.
Ở H.Hải Hậu (Nam Định), những hộ dân trồng đinh lăng đã rất thuần thục để cung cấp những lứa đinh lăng chuẩn quốc tế. “Trông mạnh mẽ vậy thôi, đinh lăng cũng có ‘cá tính’ riêng. Dược liệu này lại thích mọc ở những nơi gần với người”, ông Huy Văn, Phó tổng giám đốc của Traphaco cho biết.
Còn tại vùng trồng atisô ở Sa Pa (Lào Cai), 200 hộ dân tại đây mỗi năm thu hoạch gần 2.000 tấn lá tươi và được Công ty TNHH MTV Traphaco Sa Pa thu mua với giá trị gần 4,5 tỉ đồng. Tham gia phát triển nguồn dược liệu cùng Traphaco, cả ngàn hộ dân hầu hết là người dân tộc H’mông có thu nhập và việc làm ổn định.
Việt Nam có trên 4.000 loài cây thuốc. Traphaco đã đi đầu trong việc hợp tác với người nông dân, người dân tộc thiểu số phát triển mô hình trồng dược liệu bền vững. Traphaco hiện có 5 vùng trồng theo tiêu chuẩn GACP-WHO hơn 36.000 ha, với hơn 20.000 lao động, trong đó trên 40% là đồng bào dân tộc ít người.
“Với chuyển đổi số trong quản lý, mỗi lô dược liệu đều có mã QR giúp chúng tôi có hồ sơ dược liệu về nguồn gốc, giúp cho quản lý chất lượng được chặt chẽ”, bà Đào Thúy Hà, Phó tổng giám đốc Kinh doanh và marketing của Traphaco, cho biết.