Khám phá ô tô chạy bằng củi ở Triều Tiên

13/01/2017 11:04 GMT+7

Xuất hiện từ năm 1920 và đến nay vẫn còn được sử dụng những chiếc ô tô chạy bằng củi đã đi qua một chặng đường dài trong lịch sử giao thông Triều Tiên.

Xuất hiện từ năm 1920 và đến nay vẫn còn được sử dụng những chiếc ô tô chạy bằng củi đã đi qua một chặng đường dài trong lịch sử giao thông Triều Tiên.

Từ rất lâu con người đã biết tới quá trình chuyển hóa các chất hữu cơ có trong củi đốt sang dạng khí ga dưới tác động của nhiệt. Nhưng phải tới năm 1920, Georges Imbert - một kỹ sư người Đức mới áp dụng kiến thức khoa học này để phát minh ra loại động cơ chạy bằng củi.
Những chiếc xe chạy củi đầu tiên trên thế giới - Ảnh: Lowtechmagazine
Rất nhanh chóng, cỗ máy của Georges Imbert trở nên thông dụng và được nhiều người biết tới. Chỉ trong thời gian ngắn đã có tới hàng ngàn chiếc xe hơi chạy bằng củi được sản xuất.
Đỉnh điểm vào những năm thế chiến thứ 2, các loại nhiên liệu hóa thạch như than và dầu mỏ rất khan hiếm và chủ yếu dành cho sử dụng trong quân sự. Tại hậu phương, hầu hết mọi người phải chuyển sang sử dụng loại xe đặc biệt này. Những trạm cung cấp củi đốt được xây dựng khắp nơi và tạo thành một mạng lưới rộng khắp.
Hơn 500.000 chiếc ô tô chạy bằng củi đốt được sản xuất tại Đức - Ảnh: Lowtechmagazine
Ước tính có khoảng 1 triệu xe động cơ đốt củi được sản xuất trong thời kỳ này, riêng tại Đức là 500.000 chiếc.
Phát triển rất nhanh nhưng cũng sớm thoái trào, khi chiến tranh kết thúc, giá xăng dầu ổn định trở lại. Số lượng xe chạy bằng củi theo đó cũng giảm sút nhanh chóng. Đến nay, loại xe này hầu như chỉ còn được sử dụng tại Triều Tiên.
Sử dụng nguyên liệu sẵn có, dễ chế tạo, xe động cơ củi vẫn còn được tận dụng tại Triều Tiên - Ảnh: Bowshrine
Ưu điểm lớn nhất của loại động cơ đốt củi chính là nguồn nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên, không cần chế biến. Tất cả việc bạn phải làm đó là tìm một khúc cây, cưa nhỏ thành từng khúc và xếp lên xe. Những loại nguyên liệu sinh học khác hiện nay như xăng E5 cũng phải trải qua một quá trình sản xuất phức tạp.
Các chuyên gia đánh giá mức ô nhiễm của động cơ đốt củi chỉ ngang với những động cơ sử dụng ga sinh học.
Bất chấp những ưu điểm trên, nguyên nhân khiến cho loại động cơ đốt củi trở thành dĩ vãng chính là vấn đề về công suất. Khí sinh ra trong quá trình đốt tạo ra công rất thấp, chỉ khoảng 5,7 MJ/kg so với xăng là 44 MJ/kg. Để xe có thể chạy được quãng đường dài, người ta phải chế ra những thùng lò đốt rất lớn để chứa nhiên liệu. Trọng lượng của những chiếc lò này có thể lên tới vài trăm kg. Vì vậy, những chiếc xe đốt củi chủ yếu là xe tải cỡ lớn. Những lò đốt củi được đặt ở phía sau thùng xe.
Một tài xế ở Triều Tiên đang tìm cách sửa xe - Ảnh: Servimg.
Cũng vì khả năng sinh công thấp của gỗ nên tốc độ của xe không cao. Phải mất tới 10 phút để xe đạt tới nhiệt độ làm việc. Sau mỗi quãng đường nhất định, tài xế lại phải dùng xẻng để xúc tro thải trong buồng đốt ra, làm vệ sinh các bộ lọc…
Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, khí Cacbon monoxit (CO) có thể bị rò rỉ và gây nguy hiểm cho tài xế và hành khách trên xe.
Không ai muốn ngồi sau những làn khói mù mịt thế này - Ảnh: Scientificamerican
Tại Triều Tiên, xe chạy củi đốt đang được sử dụng phổ biến ở các vùng nông thôn và một số đơn vị vận tải của quân đội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.