Khám phá thực lực tàu sân bay

05/07/2017 15:13 GMT+7

Dù không được trang bị vũ khí nổi bật nhưng chiến hạm HMS Queen Elizabeth của Anh sở hữu năng lực tác chiến tàu sân bay đáng gờm.

Tuần qua, quan chức Anh và Nga đã đấu khẩu nhau về tàu sân bay rằng “tàu ai ngon hơn”. Nếu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon khơi mào chê bai tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga là “đống đổ nát”, thì phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov “phản đòn” rằng tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth chẳng khác gì “một mục tiêu to xác dễ xơi”.
Phối hợp tác chiến
Xét về trang bị vũ khí, tàu HMS Queen Elizabeth sở hữu 3 khẩu pháo phòng không cận chiến Phalanx và 4 pháo 30 mm. Còn tàu Đô đốc Kuznetsov có đến 8 pháo 30 mm, 6 pháo phòng không cận chiến Kashtan (được kết hợp cùng tên lửa đối không tầm ngắn Kortik), 192 tên lửa phòng không 3K95, 12 tên lửa chống tàu chiến P-700 Granit và rocket chống tàu ngầm. Tuy nhiên, so sánh với mặt bằng chung của tàu sân bay thì chiến hạm HMS Queen Elizabeth không hề tệ. Bằng chứng là chiếc USS Gerald R.Ford, hàng không mẫu hạm mới nhất và hiện đại nhất của Mỹ, cũng chỉ sở hữu 3 pháo Phalanx, 2 hệ thống phóng tên lửa phòng không tầm trung RIM-116 và 2 hệ thống phóng tên lửa phòng không tầm trung RIM-162.
Đó là vì tàu sân bay không đóng vai trò tác chiến giống các loại tàu chiến nổi khác như tàu tuần dương hay tàu khu trục. Hiểu đơn giản, tàu sân bay thực tế là một cấu trúc sân bay di động trong sứ mệnh viễn chinh, triển khai tấn công bằng không quân kết hợp tác chiến đổ bộ. Vì thế, tàu sân bay luôn có một lực lượng tàu chiến đi kèm với vai trò hộ tống và bổ khuyết cho nhau để hình thành nên nhóm tác chiến tàu sân bay. Điển hình như hồi tháng 4, khi hiện diện tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương giữa lúc tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ được hộ tống bởi 3 tàu chiến cực mạnh gồm 2 tàu khu trục USS Wayne E.Meyer (DDG 108) và USS Michael Murphy (DDG 112) thuộc lớp Arleigh Burke, kết hợp cùng tuần dương hạm USS Lake Champlain thuộc lớp Ticonderoga. Các tàu hộ tống sẽ đảm bảo khả năng phòng không, chống tàu ngầm và hải chiến trực tiếp.

tin liên quan

Anh - Nga đấu khẩu về tàu sân bay
Một cuộc khẩu chiến bất ngờ nổ ra giữa hai đối thủ vào thời Chiến tranh Lạnh, khi các bên thay phiên dè bỉu năng lực tàu sân bay đối phương.



Thổ Nhĩ Kỳ muốn tự đóng tàu sân bay
Ngày 3.7, Đài RT đưa tin Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vừa tham dự lễ ra mắt một khinh hạm mới của nước này. Tại buổi lễ, ông Erdogan khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục tăng cường năng lực quân sự cũng như công nghệ quốc phòng. Đặc biệt, ông tuyên bố rằng: “Chúng ta sẽ hạ thủy tàu sân bay do chính chúng ta đóng”. Gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục phát triển mảng chế tạo tàu chiến. Chiếc tàu trong lễ ra mắt trên là dòng khinh hạm thuộc lớp Kinaliada hoàn toàn do nước này tự đóng, có khả năng tàng hình và chiến đấu đa nhiệm, theo RT.

Ngoài ra, tuy bản thân tàu sân bay như chiếc USS Carl Vinson, thuộc lớp Nimitz, dù chỉ trang bị 3 pháo Phalanx, 2 hệ thống phóng tên lửa RIM-116 và 2 hệ thống tên lửa RIM-7, nhưng mang theo khoảng 60 - 70 máy bay gồm chiến đấu cơ đa nhiệm F/A-18 Super Hornet, máy bay tác chiến điện tử EA-18, máy bay cảnh báo sớm E-2 Hawkeye, trực thăng chiến đấu đa nhiệm SH-60 Seahawk… Số máy bay này thường xuyên hoạt động xung quanh tàu mẹ giúp đảm bảo khả năng trinh sát, cảnh báo và chiến đấu toàn diện. Nhờ đó, nhóm tác chiến tàu sân bay gần như sở hữu sức mạnh tấn công tổng lực gồm cả hải - lục - không quân. Cho nên, khi giới thiệu lớp tàu Gerald R.Ford kế nhiệm lớp Nimitz, Mỹ chủ yếu tự hào về cải tiến khả năng tác chiến khi tàu sân bay lớp Ford có thể triển khai 240 lượt máy bay xuất kích mỗi ngày.
Sức mạnh của “Nữ hoàng”
Tính từ khi hải quân đế quốc Nhật Bản triển khai tàu chiến Wakamiya mang theo thủy phi cơ Farman MF.11 tấn công lực lượng Đức - Áo - Hung ở châu Á vào năm 1914 đến nay, tàu sân bay đã trải qua hơn 100 năm tồn tại và trực tiếp tham chiến. Trong suốt thời gian đó, dù chưa thể so sánh với Mỹ và Nhật nhưng hải quân Anh cũng là một lực lượng có bề dày đáng nể về tác chiến tàu sân bay. Cách đây đúng 100 năm, vào năm 1917, Anh đã giới thiệu tàu sân bay đầu tiên của nước này. Vì thế, về kinh nghiệm tác chiến hàng không mẫu hạm thì London vượt xa Moscow, bởi Liên Xô phải đến năm 1967 mới sở hữu tàu sân bay đầu tiên thuộc lớp Moskva nhưng đây chỉ là tàu chở máy bay trực thăng. Tiếp đến, Liên Xô cho ra mắt thêm 2 lớp tàu sân bay là lớp Kiev (năm 1975) và lớp Đô đốc Kuznetsov (năm 1987). Tuy nhiên, cả hai lớp tàu này đều là “tàu lai” giữa tàu tuần dương và tàu sân bay. Trong đó, số tàu thuộc lớp Kiev chỉ còn 1 chiếc đang được hải quân Ấn Độ sử dụng. Còn lớp Đô đốc Kuznetsov vốn có 2 chiếc thì nay 1 chiếc cùng tên thuộc hải quân Nga, chiếc còn lại chính là tàu Liêu Ninh đang được Trung Quốc sở hữu. Sau thời Liên Xô, Nga chưa triển khai tàu sân bay nào mới.

Trong khi đó, HMS Queen Elizabeth mang tên nữ hoàng Anh được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng để khẳng định sức mạnh nước này trên biển. Thực tế, theo một số tài liệu quân sự, HMS Queen Elizabeth khi chính thức được triển khai toàn diện sẽ có sức mạnh đáng kể. Đó là vì tàu này có thể mang theo 24 chiến đấu cơ thế hệ 5 là F-35 đủ sức tác chiến đa nhiệm, kèm theo khoảng 14 trực thăng. HMS Queen Elizabeth sở hữu 2 hệ thống nâng mà mỗi hệ thống có khả năng đưa 2 chiếc F-35 từ nhà chứa lên sàn tàu trong 60 giây. Nhà chứa của nó còn có thể mang đến 20 siêu trực thăng vận chuyển V-22 Osprey. Nhờ đó, HMS Queen Elizabeth được đánh giá là một tàu sân bay hiện đại khi hoàn thiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.