Khâm phục cụ ông 100 tuổi ở Sài Gòn làm việc 10 tiếng/ngày không cần đeo kính

27/09/2020 12:06 GMT+7

Không nghiện rượu, không nghiện cà phê, buổi sáng tập thể dục 45 phút, buổi chiều đi bộ 45 phút. Thức ăn ngon mấy cũng không ăn hơn, dở cũng không ít hơn… là bí quyết sống khỏe của cụ ông 100 tuổi ở TP.HCM.

Ngôi nhà của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư (100 tuổi) nằm cuối con hẻm nhỏ, chỉ vừa một xe máy chạy ở đường Chu Văn An, P.12, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Cụ làm việc ở lầu 3, trong một căn phòng ngập tràn sách cũ, ảnh cá nhân từ thời trẻ, tường treo nhiều giải thưởng lớn nhỏ và cả những tấm bảng mừng thọ của thành phố.
Cụ vẫn đi lại bình thường, không phải chống gậy. Mỗi ngày đều đọc sách, ngồi máy tính làm việc hơn 10 tiếng mà không phải đeo kính. Vậy bí quyết nào để cụ sống khỏe, lạc quan và nhiệt huyết?

Cụ ông 100 tuổi minh mẫn làm việc 12 tiếng/ngày, đọc sách không cần đeo kính

Bí quyết sống khỏe tuổi 100

“Vì sao tôi có sức khỏe để làm việc? Năm nay đã trăm tuổi vẫn làm việc bình thường, đi lại bình thường, không phải chống gậy, không phải người dìu dắt cả. Lý do là trong sinh hoạt rất điều độ”, cụ Tư lý giải.
“Tôi không nghiện rượu, không nghiện cà phê, buổi sáng tập thể dục 45 phút, buổi chiều đi bộ 45 phút nữa. Ăn uống có mức độ, khi nào cũng giữ mức bình thường, thức ăn có ngon mấy cũng không ăn hơn mà dở cũng không ít hơn”, cụ chia sẻ.

Năm tháng dường như không làm giảm đi sự minh mẫn ở người đàn ông trăm tuổi này

Ảnh: Lê Nam

Cụ nói tiếp: “Mỗi ngày, buổi sáng tôi tập thể dục xong, ăn sáng xong rồi đọc báo, xem những tin chính thôi chứ không có nhiều thì giờ vì tôi phải làm việc. Sau đó tôi ngồi vào bàn vi tính bắt đầu viết sách”.
Hiện cụ đang viết cuốn có tựa “Gia Định – Sài Gòn – TP.HCM bước qua tuổi 322". Nội dung cuốn sách nói về lịch sử của thành phố.
Trước đây, vào dịp thành phố kỷ niệm 300 năm, cụ Tư đã hoàn thành quyển sách này. Tuy nhiên, cụ chia sẻ vì thời điểm đó lỡ duyên nên không ra mắt được. “Thời gian này đã thay đổi nhiều, cơ duyên đã tới, tôi xem lại, sửa lại, bổ sung thêm. Hiện nay sắp hoàn thành, NXB Tổng hợp TP.HCM nhận in rồi. Hoàn thành xong sẽ ra mắt bạn đọc”, cụ nói. 
Cụ Tư chia sẻ, vài năm nay cụ đã bắt đầu sử dụng máy tính để soạn thảo văn bản, viết văn chương. “Máy tính này tôi cũng không sử dụng thông thạo lắm đâu, chỉ biết đánh máy thôi. Viết bản thảo mà viết tay thì chậm quá, lâu quá, mà tay cũng yếu rồi, viết chậm run. Tôi mới nói mấy đứa cháu mua dùm máy vi tính, chỉ tôi cách đánh chữ, còn bao nhiêu kỹ thuật khác trong máy, thật tôi không biết gì cả", ông kể.

Cụ dành cả đời để nghiên cứu văn hóa, văn chương dân tộc

Ảnh: Lê Nam

Nhiều khi máy tính gặp trục trặc, cụ lại gọi cháu tới điều chỉnh lại. Cụ kể: “Tôi cứ đánh máy cả ngày, buổi sáng ăn cơm trưa nghỉ tí rồi chiều dậy đánh tiếp. Ăn cơm chiều xong thì nghỉ tí, chiều dậy đánh tiếp. Ăn cơm chiều nghỉ tí rồi lại đánh máy đến 23 giờ mới ngủ”. Tính ra, mỗi ngày cụ làm việc hơn 10 tiếng.

100 tuổi đọc sách, dùng máy vi tính không cần đeo kính

Ảnh: Lê Nam

Mỗi ngày, cụ dậy từ 6 giờ sáng, nhưng chưa vội tập thể dục. “Các bác sĩ khuyên người lớn tuổi không nên ra tập sớm quá vì lúc đó trời lạnh có thể bị phổi. Cho nên tôi chờ cho có ánh sáng, khoảng 6 giờ 30 phút,  lúc ấy mới tập”, cụ kể.
Thắc mắc về đôi mắt tinh anh của cụ, tại sao thường xuyên đọc sách, thậm chí ngồi máy tính nhiều mà vẫn không phải đeo kính, ít khi thấy nheo mắt. Cụ vui vẻ trả lời: “Trước đây tôi bị đục thủy tinh thể. Cả hai mắt đều mở rồi, từ đó đến giờ không phải đeo kính nữa, cứ xem tự nhiên, từ đọc sách báo, ti vi đến máy vi tính đều không cần kính”.

'Chỉ có khi nhắm mắt, tôi mới nghỉ'

Người thường sẽ làm việc đến khoảng 60 – 70 tuổi sẽ "nghỉ hưu", còn cụ Tư thì sao? “Chỉ có khi nhắm mắt, tôi mới nghỉ. Từ tiểu học tôi đã nuôi tham vọng, mọi người sinh ra trên thế gian này ai cũng phải chết. Có những người chết rồi thì mọi người quên, có người chết rồi thì mọi người vẫn nhớ. Họ nhớ vì đánh đông dẹp bắc, hoặc nhờ những công trình biên khảo để lại. Tôi thì đánh đông dẹp bắc không làm được, sức yếu không có tài, chỉ có ngồi nghiên cứu viết sách. Những cuốn sách của tôi, tôi viết không phải chỉ để giải trí nhất thời. Mà viết có tính chất để lâu dài, để cho hậu thế khi muốn biết một giai đoạn lịch sử hàng trăm năm về trước thì họ có sách để tra cứu, đó là cái mộng của tôi như vậy”, giọng cụ trầm ấm, từng câu đều đi vào lòng người.

"Chỉ có khi nhắm mắt, tôi mới nghỉ", cụ Nguyễn Đình Tư chia sẻ

Ảnh: Lê Nam

Mới đây, cụ vừa ra mắt lại độc giả bộ tiểu thuyết “Loạn 12 sứ quân”. Bộ sách được viết cách đây 30 năm, trong suốt khoảng 4 năm ngồi lề đường sửa xe của cụ. “Ngày còn trẻ, kinh tế gia đình rất eo hẹp, tôi phải ra ngồi ngoài đường sửa xe kiếm tiền chợ hằng ngày. Trong lúc sửa xe đạp, có lúc có khách, có lúc không có khách. Tôi nhìn thấy người ngồi ngoài đường đi qua đi lại uổng quá. Tôi lại vốn là người cầm bút, thích viết về sử nên tranh thủ viết một bộ sử để giải khuây chứ chưa nghĩ đến chuyện được in", cụ nói.
"Nhưng viết sử có tính chất nghiên cứu thì sách vở của tôi đã bán ve chai hết rồi, không có sách để tra cứu nữa. Chỉ có viết về giai đoạn lịch sử loạn 12 sứ quân là giai đoạn khuyết sử, chính sử không ghi đầy đủ gì cả. Viết truyện đó có thể hư cấu được, nhưng hư cấu cũng phải thích hợp cho thời đại đó. Tôi bắt đầu viết, viết được vài trang có người đến sửa xe thì phải ngừng lại, sau đó lại viết”, cụ nói tiếp.

Cụ Tư mặc áo dài đỏ trong buổi ra mắt bộ tiểu thuyết "Loạn 12 sứ quân" hôm 20.9 vừa qua

Ảnh: Lê Nam

Cụ Tư vui vẻ ngồi giao lưu với độc giả suốt 2 tiếng đồng hồ tại đường sách Nguyễn Văn Bình, Q.1, TP.HCM

Ảnh: Lê Nam

Mãi đến năm 1990, bộ sách được NXB Đồng Nai nhận in thành 6 tập. Sách in ra bán rất chạy. Từ đó tới nay 30 năm, bây giờ được NXB Văn hóa Văn nghệ tái bản và in lại rất đẹp mắt. Cụ khoe: “Tôi hỏi tình hình thì NXB bảo bán chạy lắm, nhiều người đọc…”
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư quê ở Nghệ An. Ông từng làm việc tại Ty Điền địa ở Phú Yên. Năm 1969 ông làm việc tại Nha Điền địa (Bộ Canh nông) đến ngày miền Nam được giải phóng. Năm 1996, ông là ủy viên thường trực Hội đồng đặt và đổi tên đường trên địa bàn TP.HCM. Ông tham gia biên soạn nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử Sài Gòn - TP.HCM, từ điển địa danh và địa chí các tỉnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.