Trong khi đó, thời gian qua dư luận rất bức xúc tình trạng “người điên” lái xe gây tai nạn dẫn đến nhiều thương vong.
Thời gian khám tính bằng... giây
|
Sau khi đóng tiền nhận biên lai, PV được đưa giấy KSK của người lái xe và một tờ giấy hướng dẫn quy trình khám; sau đó được hướng dẫn đến phòng xét nghiệm lấy máu, nước tiểu kiểm tra chất gây nghiện, nồng độ cồn trong máu và nhận lịch hẹn 14 giờ cùng ngày lấy kết quả.
Tiếp theo, PV đến phòng khám (PK) răng hàm mặt. Tại đây, bác sĩ (BS) đang khám cho một người nam bằng cách yêu cầu há to miệng rồi dùng tay không mang găng tay sờ vào môi và... quay sang ghi kết quả, đóng dấu. Tổng cộng thời gian BS khám cho anh này là... 25 giây. Tới lượt PV, quy trình này lặp lại nhưng chỉ mất... 15 giây. Chỉ trong 1 phút 40 giây, BS khám tổng cộng 4 bệnh nhân và hoàn toàn không mang găng tay nhưng “vô tư” chạm vào môi, miệng hết người này đến người khác.
Đến PK chuyên khoa ngoại, điều dưỡng đang bấm điện thoại, thấy có người khám thì ngước mắt lên chỉ qua BS cũng... đang bấm điện thoại. PV để tờ giấy KSK trên bàn, BS buông điện thoại quay sang hỏi: “Trước giờ anh có bị gãy xương, mổ xẻ gì không?”, rồi ghi, đóng dấu vào giấy KSK và... tiếp tục sử dụng điện thoại. Tổng thời gian BS “hỏi, ghi” là 20 giây. Tại PK tai - mũi - họng, thời gian PV được khám cũng là 20 giây. Riêng khâu được khám kỹ nhất là mắt với thời gian 2 phút 15 giây.
14 giờ cùng ngày, PV trở lại BV lấy kết quả xét nghiệm máu, nước tiểu và mang đến PK nội để BS khám, kết luận. Từ lúc ngồi vào ghế đến khi BS khám, ghi kết quả hết 47 giây và BS kết luận: Đủ sức khỏe lái xe B2, sau khi tự kết luận ở mục khám tâm thần, thần kinh của người khám mà không hỏi câu nào.
Chiều 24.5, PV đến BV Q.10 (TP.HCM) KSK để học, thi sát hạch GPLX B2. PV trình bày đã làm xét nghiệm cần thiết tại BV Q.Tân Bình, chỉ cần KSK. Sau khi đóng 60.000 đồng, PV được hướng dẫn đến một khu chuyên biệt dành cho KSK để học, thi sát hạch GPLX. Tại đây, các BS ngồi ở dãy phòng khám liền kề nhau. PV được BS khám mắt, tai - mũi - họng trong 75 giây; hoàn tất khám ngoại - da liễu sau 3 câu hỏi: Lái xe gì? Có bệnh tật gì? Tay chân có bị gì không?; khám xong 3 “chuyên khoa”: cơ xương khớp, tâm thần và thần kinh trong... 15 giây (không hỏi gì về tâm thần nhưng vẫn... ký tên kết luận); khám 3 chuyên khoa: tim mạch, hô hấp và nội tiết... trong 13 giây.
Đặc biệt, tại phòng số 6, PV được BS đóng dấu mộc và kết luận “không phát hiện nồng độ cồn trong hơi thở” dù chẳng cần đo nồng độ cồn... Tổng cộng, PV chỉ mất chưa đầy 2 phút để được 3 BS hoàn tất khám 8 chuyên khoa; sau đó đến phòng tổ chức nộp, chờ đóng dấu, lấy kết luận của BV...
|
Bỏ lọt người tâm thần
Trong quá trình xâm nhập thực tế tại các cơ sở KSK để học và dự thi sát hạch GPLX ô tô, có một điểm chung là các BS “bỏ lơ” khâu khám tâm thần, thần kinh. Trong khi đó, Thông tư liên tịch số 24/2015 giữa Bộ Y tế, Bộ GTVT quy định khá rõ về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe; việc KSK định kỳ đối với người lái ô tô và quy định về cơ sở y tế KSK cho người lái xe.
Cụ thể, thông tư quy định những dạng tâm thần không được lái xe; BS khám phải hỏi 20 câu về tiền sử, bệnh sử bệnh nhân và đánh dấu “X” vào ô tương ứng... nhưng tại BV Q.Tân Bình, BV Q.10... PV không hề được BS hỏi 20 câu hỏi về tiền sử, bệnh sử mà vẫn “ưu ái” kết luận “tâm thần, thần kinh bình thường”. Riêng tại PK đa khoa Sài Gòn cơ sở 2, tiếp tân kiêm thu ngân yêu cầu PV tự đọc và trả lời 20 câu hỏi này rồi ký tên. PV phản ứng, nói những câu này phải được BS hỏi nhưng tiếp tân nhất quyết yêu cầu PV phải ghi đầy đủ vì “BS chỉ khám lâm sàng” (!?).
BS CK.II Trần Minh Khuyên, Khoa Nội thần kinh - tâm thần, PK Đại học Y dược 1 TP.HCM, khẳng định theo quy định khi KSK để thi sát hạch GPLX, người học phải được khám tâm thần. Những câu hỏi khi khám tâm thần mà BS phải hỏi là về không gian, thời gian, cảm xúc và tư duy. “Nếu một PK không có BS chuyên khoa tâm thần thì làm sao phát hiện một người có bị tâm thần hay không. Đây là sự thiếu sót không hề nhỏ”, BS Khuyên nói.
|
Cùng quan điểm, thạc sĩ - BS Huỳnh Tấn Sơn, phụ trách bộ môn tâm lý, tâm thần Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, cho rằng khám tâm thần trong KSK để thi sát hạch GPLX hiện nay đang là lỗ hổng. Theo BS Sơn, việc khám tâm thần phải mất khoảng 30 phút, vì phải đánh giá rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc và rối loạn tư duy của người được khám. “Nếu chỉ 1 - 2 phút thì không thể khám tâm thần”, BS Sơn khẳng định.
Một số vụ người tâm thần lái ô tô gây họa- Ngày 21.11.2015, một người đàn ông lái xe BMW lưu thông trên đường Điện Biên Phủ, hướng từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa ra ngã tư Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thì va chạm với xe máy và bỏ chạy. Khi bị CSGT chặn bắt, người này tông vào xe đặc chủng. Do kẹt xe nên tài xế BMW mới tấp vào lề và chốt cửa cố thủ. Người nhà nam tài xế sau đó đến và xuất trình bệnh án… tâm thần của tài xế.
- Ngày 20.10.2018, Nguyễn Xuân Lộc (24 tuổi, ngụ Đắk Nông) bị Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng để điều tra hành vi giết người. Khi bị bắt, Lộc đang điều trị tại BV Tâm thần TP.Đà Nẵng. Lộc liên quan đến 2 vụ án khiến 2 người chết vào năm 2011 và 2016.
Năm 2011, sau khi Lộc được xác định là người chủ mưu và xúi giục 8 thanh niên khác gây ra án mạng khiến một người tử vong, đầu năm 2012, cơ quan công an trưng cầu giám định tâm thần, kết quả xác định Lộc bị tâm thần. Trong thời gian điều trị bệnh tâm thần, Lộc đi KSK và đủ tiêu chuẩn thi sát hạch GPLX hạng B2 tại tỉnh Đắk Nông.
- Ngày 19.4.2019, ông Huỳnh Văn Chủng (43 tuổi, ngụ TP.HCM) lái xe bán tải gây tai nạn tại Bà Rịa - Vũng Tàu rồi bỏ chạy. Bị người dân yêu cầu dừng lại, ông Chủng lấy một cây rìu chém bị thương người đi đường và tiếp tục bỏ chạy với tốc độ 83 km/giờ trong khu vực đô thị. Khi CSGT Bà Rịa - Vũng Tàu ra hiệu lệnh dừng xe, ông này không chấp hành, vượt đèn đỏ, tiếp tục bỏ chạy về hướng TP.Bà Rịa.
Đại úy Chu Quang Sáng và một chiến sĩ CSGT của tổ tuần tra lên xe chuyên dụng đuổi theo thì bị ông Chủng ép xe ngã xuống đường khiến 2 chiến sĩ bị thương; đại úy Sáng đã tử vong sau đó. Tuy nhiên, người thân của ông Chủng đã đến Công an TX.Phú Mỹ thông báo ông này đang điều trị tâm thần. Ông Chủng có bằng lái xe hạng C năm 2018.
|
Bình luận (0)